|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không phải nguồn cung, nhu cầu mới là mối đe doạ thực sự của thị trường dầu

08:43 | 04/02/2020
Chia sẻ
Đối với một thế hệ các nhà giao dịch dầu, những cú sốc địa chính trị được định là các tranh chấp và bất ổn xã hội, sự kiện sẽ đe doạ nguồn cung tại Trung Đông và theo đó hầu như sẽ kéo giá dầu tăng cao.

Tuy nhiên, khởi đầu năm 2020, một thực tế mới đã gắn kết ngay cả những tư duy cứng rắn nhất: đây sẽ là thập kỉ mà những cú sốc nhu cầu trở thành rủi ro lớn hơn những mối đe dọa lẻ tẻ đối với nguồn cung.

Từ mối đe dọa lâu dài của nhu cầu dầu mỏ đạt đỉnh tới rủi ro trong ngắn hạn đối với tiêu dùng, thị trường dầu mỏ đang có nguồn cung tốt khiến lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung bị "dìm xuống" bởi lo ngại về nhu cầu của thế giới đối với dầu thô.

Một ví dụ rõ ràng nhất đó là phản ứng của dầu đối với sự bùng phát virus corona ở Trung Quốc.

Theo Financial Times, giá dầu thô đã giảm hơn 15% so với mức đỉnh xác lập hồi đầu tháng 1 xuống dưới 60 USD/thùng, do các hạn chế về vận chuyển - một cú đánh trực tiếp vào nhu cầu dầu mỏ - và lo ngại về sự sụp đổ kinh tế qui mô lớn đã khiến các nhà giao dịch bán tháo.

Động thái này được đưa ra bất chấp sự biến mất từ nguồn cung tại Libya, nơi sản xuất bị gián đoạn bởi cuộc cách mạng năm 2011 đã giúp kéo giá dầu thô lên trên 120 USD/thùng. 

Hiện tại, sản lượng gần như bằng 0 do các lực lượng thách thức chính phủ do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli phong tỏa xuất khẩu.

Theo một số chuyên gia lạc quan, việc mất hơn 1 triệu thùng/ngày từ quốc gia Bắc Phi này, tương đương với hơn 1% nguồn cung toàn cầu, vượt xa cả những dự báo bi quan nhất về tác động của virus corona.

Mặc dù vậy phản ứng giá dầu đang đưa ra một câu chuyện khác. 

Các nhà giao dịch không mấy nghi ngờ về khả năng bù đắp những thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn của thị trường, có thể là từ nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ hoặc công suất dự phòng của OPEC

Tuy nhiên, họ hầu như bỏ qua Libya và tác động của virus corona. Giá dầu thô Brent đã thiệt hại nhiều hơn bất kì tài sản nào kể từ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe qui mô lớn bắt đầu xuất hiện.

Không phải nguồn cung, nhu cầu mới là mối đe doạ thực sự của thị trường dầu - Ảnh 1.

Virus corona gây áp lực lên giá dầu toàn cầu. Đơn vị: USD/thùng.

Sau đó, thị trường không mấy ngạc nhiên khi OPEC đã quay trở lại chính sách cũ, bắt đầu nói về khả năng cắt sản xuất sâu hơn để thúc đẩy thị trường. 

Điều này đã trở nên phổ biến kể từ năm 2016, khi nhóm đầu tiên hợp tác với Nga để nỗ lực kéo giá tăng. Tuy nhiên, trong khi đang nói về việc giảm sản lượng, cần biết rằng một số thành viên của OPEC, như Venezuela và Iran - ngoài Libya - đã giảm sản xuất vì xung đột và trừng phạt.

Điều đó thể hiện sự thừa nhận từ tổ chức rằng cú sốc nhu cầu, thay vì cú sốc nguồn cung, là yếu tố định giá trên thị trường.

Các thành viên của OPEC vẫn có thể cố gắng lập luận rằng những lo ngại về nhu cầu dài hạn đã bị cường điệu hóa, và nhu cầu sẽ vẫn ổn định chừng nào các nền kinh tế mới nổi đang công nghiệp hóa. 

Tuy nhiên, hãy nhìn vào thành động thay vì lời nói. Các thành viên lớn nhất như Arab Saudi đang làm mọi thứ có thể để đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ.

Phản ứng chính trị dữ dội chống lại nhiên liệu hóa thạch đã tăng cường trong năm qua và cho thấy ít dấu hiệu sẽ biến mất. 

Các công ty dầu khí quốc tế đang chịu áp lực ngày càng tăng từ nhà đầu tư để tìm ra những cách ít gây tổn hại hơn cho hành tinh, trong khi những nỗ lực hạn chế tiêu dùng có khả năng cuối cùng sẽ lan từ châu Âu sang các nền kinh tế mới nổi lớn nhất. Triển vọng dài hạn cho tăng trưởng nhu cầu dầu có vẻ như bị dao động.

Tuy nhiên thị trường vẫn tồn tại rủi ro, những rủi ro nguồn cung không quá lớn. 

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở khai thác dầu của Arab Saudi hồi tháng 9 năm ngoái có thể gây tác động mạnh mẽ hơn nhiều nếu quốc gia Trung Đông không thể khôi phục xuất khẩu quá nhanh. Cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Mỹ vẫn sẽ có sức mạnh để tác động tới thị trường và kéo giá lên cao, ít nhất là trong tạm thời.

Mặc dù vậy, các nhà giao dịch không còn lo ngại như trước. Giá dầu thô tương đối ổn định gần 60 USD/thùng trong phần lớn năm ngoái, ngay cả khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Việc giá tăng vượt mức đó ngày càng khó duy trì.

Bao trùm thị trường hiện tại là những kí ức của quí cuối năm 2018, khi các dấu hiệu suy thoái kinh tế dẫn đến hoạt động bán tháo trên các thị trường chứng khoán và hàng hóa, theo đó đẩy giá dầu thô xuống dưới 50 USD/thùng, một trong những đợt giảm hàng quí lớn nhất.

Trong thời đại mà các cú sốc nhu cầu đang trở thành mối đe doạ lớn nhất, không có gì lạ khi các nhà giao dịch dầu mỏ cảnh giác với mối đe doạ sẽ lặp lại.

Lyly Cao