|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không nên mải ưu đãi ‘đại bàng ngoại’ mà bỏ quên ‘đàn rồng Việt’

19:00 | 05/03/2021
Chia sẻ
Nhiều địa phương ở Việt Nam đang quá chú trọng vào chào đón và thu hút doanh nghiệp nước ngoài mà bỏ quên doanh nghiệp Việt Nam, kể cả khi các công ty trong nước lớn hơn, có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm hơn.
Không nên mải ưu đãi ‘đại bàng ngoại’ mà bỏ quên ‘đàn rồng Việt’ - Ảnh 1.

Tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" tổ chức chiều 5/3 tại FLC Hạ Long. (Ảnh: Đức Quyền).

"Bụt chùa nhà không thiêng"

Tại Tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" tổ chức chiều 5/3 tại quần thể FLC Hạ Long, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng ở các địa phương còn có tâm lý "bụt chùa nhà không thiêng", ưa chuộng doanh nghiệp ngoại mà xem nhẹ doanh nghiệp trong nước.

PGS. TS. Trần Đình thiên cũng cho rằng khái niệm "làm tổ cho cho đại bàng" cần được sửa thêm là "làm tổ cho cả đại bàng Việt Nam" chứ không phải chỉ đón doanh nghiệp nước ngoài.

Cái tên "Làm tổ cho đại bàng nội" của buổi tọa đàm xuất phát từ phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Việt Nam cần đón "đại bàng" từ khắp nơi trên thế giới đến "làm tổ". Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng gọi doanh nghiệp Việt là "đại bàng nội" là hạ thấp doanh nghiệp trong nước, lẽ ra phải gọi là "đàn rồng Việt" để thể hiện tinh thần nòi giống "con Rồng, cháu Tiên".

Không nên mải ưu đãi ‘đại bàng ngoại’ mà bỏ quên ‘đàn rồng Việt’ - Ảnh 2.

TS. Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Đức Quyền).

"Phát triển doanh nghiệp trong nước không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là vấn đề mang tính chủ quyền, đảm bảo sự tự chủ của đất nước", Chủ tịch VCCI nói. "Khu vực kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng của nền kinh tế, trong tương lai phải ngày càng quan trọng hơn".

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, ngoài ra còn có trên 6 triệu hộ kinh doanh, tuy nhiên nước ta chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. 

"Định hướng chính sách không phải tăng số lượng, mà là nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn. Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cầm tay chỉ việc hay cấp tiền bạc, mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi. Trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu", ông Lộc đề xuất.

Doanh nghiệp nội cần gì nhất?

Bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC cũng nhận thấy sự bất cập trong mời chào doanh nghiệp ở các địa phương: Nhiều khi doanh nghiệp nội lớn hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng lại không được chào đón bằng công ty ngoại.

Vị Phó Chủ tịch cho biết có ba yếu tố quan trọng mà FLC cân nhắc trước khi quyết định đầu tư. Thứ nhất là tầm nhìn về quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Và cuối cùng là nguồn lao động địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Không nên mải ưu đãi ‘đại bàng ngoại’ mà bỏ quên ‘đàn rồng Việt’ - Ảnh 3.

Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

"Lực lượng lao động không chỉ là những người làm việc cho doanh nghiệp mà đồng thời còn là khách hàng, tạo ra thị trường, sức mua để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm", bà Dung cho hay.

Nói thêm về mong muốn của Tập đoàn FLC từ phía chính quyền, bà Dung cho rằng yếu tố ổn định chính trị là rất quan trọng: "Môi trường chính trị, sự đoàn kết, xuyên suốt chỉ đạo các cấp tại địa phương ảnh hưởng nhiều tới quyết định đầu tư lâu dài của chúng tôi".

Các doanh nghiệp mong muốn đầu tư trong hàng chục năm nên cần sự thống nhất về chính sách qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều đời lãnh đạo. Nếu quy định thay đổi liên tục thì doanh nghiệp rất khó yên tâm làm ăn.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, điều các doanh nghiệp lớn cần nhất không phải hỗ trợ về tài chính hay đào tạo nhân lực mà chính là thể chế và chính sách. "Nếu quy định chồng chéo, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chi phí làm ăn sẽ lớn. Chi phí lớn nhất không phải về tài chính mà là chi phí cơ hội".

Ông Lương Hữu Lâm – Phó Tổng Giám đốc Giovanni Group kể ra một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển doanh nghiệp trong nước. Theo ông Lâm, Giovanni là thương hiệu may mặc và da giày của Italy nhưng lãnh đạo công ty xác định muốn sống sót và phát triển ở Việt Nam thì phải sản xuất ở Việt Nam.

"Trong năm đại dịch COVID-19 vừa qua, Giovanni Group đã tự chủ được nguồn cung sản phẩm, không phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí chúng tôi có thể xuất khẩu ngược các loại khẩu trang làm từ vải phụ phẩm sang châu Âu", ông Lâm nói.

Đức Quyền