|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không được uỷ quyền trả lời chất vấn trước Quốc hội

13:50 | 05/02/2017
Chia sẻ
Người được chất vấn có trách nhiệm trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được uỷ quyền cho người khác trả lời thay.

Một phiên chất vấn tại Quốc hội.
Đây là quy định tại nghị quyết về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Ba tiêu chí

Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là một trong những nội dung lớn của quy chế này.

Theo đó, nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn theo ba tiêu chí. Một, là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Quốc hội không đồng ý, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét cho trả lời tại kỳ họp Quốc hội.

Hai, không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn.

Tiêu chí thứ ba là phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn.

Nghị quyết cũng quy định, người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn, có trách nhiệm trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được uỷ quyền cho người khác trả lời thay.

Trường hợp có lý do đặc biệt, chính đáng không thể tham dự phiên họp thì người bị chất vấn gửi văn bản nêu rõ lý do đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

Cần thiết sẽ bỏ phiếu tín nhiệm

Ngoài chất vấn, quy chế còn nêu rõ nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát, trong đó có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Quá trình thảo luận về dự thảo nghị quyết tại phiên họp thứ sáu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không ít bất cập trong lĩnh vực này đã được đề cập.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, nhiều tỉnh thành chưa nghiêm túc khi làm việc với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội. Khi đi giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm thì có những địa phương rõ ràng “có chuyện” nhưng lãnh đạo vẫn coi thường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim khi đó cho biết, bà đã trực tiếp gọi điện phê bình lãnh đạo địa phương khi mà đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, do Phó chủ tịch làm Trưởng đoàn, tham gia có 2 bộ trưởng khác mà chỉ để một phó chủ tịch UBND ra cùng làm việc.

Nghị quyết quy định rõ, khi nhận được yêu cầu làm việc của đoàn giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm xây dựng kế hoạch làm việc với đoàn giám sát, gửi kế hoạch bằng bản giấy và bản điện tử đến đoàn giám sát chậm nhất là 3 ngày trước ngày làm việc.

Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu của đoàn giám sát, đoàn giám sát có văn bản gửi đến cấp trên quản lý trực tiếp hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc xem xét kiến nghị giám sát cũng được quy định rõ tại nghị quyết. Cụ thể, trên cơ sở đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề được kiến nghị. Nghị quyết bao gồm đánh giá về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát.

Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tại nghị quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chốt nguyên tắc điều hoà hoạt động giám sát của các cơ quan để bảo đảm tại một địa phương trong một tháng không có quá hai đoàn công tác đến làm việc và trong một thời điểm chỉ có một đoàn công tác.

Đối với thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng trong một tháng có không quá ba đoàn công tác và lịch làm việc không trùng nhau.

Nguyên Vũ