Không để thương mại điện tử trục lợi người tiêu dùng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt sẽ trở thành mảnh đất dung dưỡng cho lừa đảo, trục lợi người tiêu dùng, phá hoạt sản xuất, phá hoại thị trường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhận định như vậy tại buổi làm việc với các Cục, Vụ về vấn đề gian lận thương mại trong thương mại điện tử chiều 23/8 tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra việc thời gian gần đây một loạt phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng nhái tại một số sàn thương mại điện tử đều do các cơ quan báo chí phát hiện, đưa tin.
"Vậy những đơn vị như Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số… đã làm gì trong bối cảnh đó ? Bộ trưởng nói.
Hơn nữa, nhiều sàn thương mại có quy định bất lợi cho người tiêu dùng, là mảnh đất cho hàng giả, hàng nhái hoành hành nhưng các đơn vị thuộc Bộ cũng không chủ động vào cuộc điều tra, xem xét.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số báo cáo về gian lận thương mại điện tử. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Báo cáo tình hình gian lận thương mại trên thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện nay, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, các đối tượng tìm mọi cách để lách các bộ lọc kỹ thuật của sàn. Chẳng hạn, để tránh bị kiểm soát người bán đăng các sản phẩm với tên N.I.K.E hoặc Ni_KE thay vì để NIKE... Thậm chí có những đối tượng bán mặt hàng cấm nhưng lại không đưa rõ hình ảnh mà đưa một cái tên rất khó phát hiện như “Cỏ Mỹ”, “Lá cây đu đủ”...
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng, không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ lập fanpage để chạy quảng cáo, bán hàng. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.
“Họ thông tin, bán hàng lên mạng, khi đó họ sử dụng những hình ảnh thật, nhưng khi mua hàng, sản phẩm mà khách hàng nhận được thì lại là hàng giả, hàng nhái. Điều này bản thân khách hàng không biết được. Ngoài ra cũng có những trường hợp nhiều người mua thích hàng rẻ nên biết là nhái vẫn mua hoặc không phát hiện được”, ông Đặng Hoàng Hải nêu rõ.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Ông Đặng Hoàng Hải cũng thừa nhận rằng trình độ kỹ thuật, năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý thực thi còn yếu, trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được những thay đổi công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn hạn chế.
Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện thanh tra tại 3 đơn vị và kiểm tra 11 đơn vị với tổng mức xử phạt 500 triệu đồng.
Đối với nhiệm vụ rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn là 35.943 và hơn 3.000 tài khoản trên các sản đã bị khoá.
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, thời gian tới Cục sẽ tăng cường tiến hành rà soát các website, kiểm tra phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử các nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Đồng thời tập trung vào những mặt hàng giả, nhái nhiều như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ và các mặt hàng kinh doanh có điều kiện.