|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không còn kì thi THPT quốc gia: Trường ÐH, thí sinh có kịp trở tay?

07:28 | 23/04/2020
Chia sẻ
Bộ GD&ÐT trình Chính phủ phương án kì thi THPT năm 2020. Ðiểm đáng chú ý nhất là kết quả của kì thi này không còn mục tiêu làm căn cứ xét tuyển đại học (ÐH). Quyết định này diễn ra trong bối cảnh thời gian chuẩn bị còn quá ngắn nên thí sinh và các trường ÐH đang thực sự lúng túng.

Số phận thí sinh tự do thế nào?

Hôm qua (22/4), trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã họp Hội đồng tuyển sinh để có những phương án điều chỉnh phù hợp cho việc tuyển sinh ĐH năm 2020. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo cho biết các trường hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH. 

“Kết quả điểm của thí sinh vẫn cùng mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng. Việc các trường tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề”, PGS Bùi Đức Triệu nói.

Do đó, theo ông Triệu, trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ không tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ giữ ổn định như những năm trước, tức là sẽ lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là một trong những phương thức tuyển sinh.

Trước thông tin này, nhiều thí sinh tự do băn khoăn không biết năm nay số phận các em sẽ được quyết định như thế nào. 

Em Nguyễn Hữu Lâm Phi, thí sinh tự do tại Hà Nam cho biết đã tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 và đã tốt nghiệp nhưng không đủ điểm để trúng tuyển vào ĐH Kinh tế quốc dân.

Em dự định năm nay sẽ thi tiếp. Thế nhưng khi nhận được thông tin trường ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì em lo lắng không biết mình có cơ hội tham gia xét tuyển hay không. 

Vì kỳ thi năm nay chỉ phục vụ xét tốt nghiệp, thí sinh đã tốt nghiệp năm 2019, năm nay muốn dự thi để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH lấy kết quả từ kỳ thi này có được tham gia hay không? Băn khoăn của Lâm Phi cũng được nhiều thí sinh chia sẻ.

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh kỳ thi THPT 2020 theo hướng chỉ xét tốt nghiệp như phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra thực tế không sai với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH nhưng lại làm khó thí sinh vì đột ngột thay đổi. 

Tuy nhiên, điều chỉnh này không chỉ khiến nhiều trường ĐH bị động trong xét tuyển mà sẽ “gây khó” cho học sinh, đặc biệt là dễ tạo ra sự không công bằng với học sinh có học lực khá, giỏi, chăm chỉ học tập từ đầu năm đến nay.

Lập nhóm tuyển sinh

Theo thống kê, hiện có khoảng 20% các trường ĐH có thể tự tổ chức tuyển sinh riêng; 28% các trường sử dụng học bạ của thí sinh để tuyển sinh;  hơn 50% số trường còn lại có 5 tháng để chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh của mình. 

Phương án mà nhiều chuyên gia đưa ra đó là các trường ĐH sẽ lập nhóm để tuyển sinh.  GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết sắp tới, khối các trường Y dược, sức khỏe sẽ có một cuộc họp liên quan đến tuyển sinh của nhóm trường này năm nay.

Theo nhận định của lãnh đạo trường ĐH Y Hà Nội, vì kỳ thi chỉ phục vụ xét tốt nghiệp, nên đề thi không có tính chất phân loại; Nếu khối sức khỏe căn cứ vào kết quả này để tuyển sinh quả thực chưa đảm bảo tính chất sàng lọc, lựa chọn đúng thí sinh để đáp ứng yêu cầu đào tạo. 

Do vậy, theo GS Tạ Thành Văn, dự kiến tổ chức một kỳ thi riêng cho các trường khối ngành Y dược, sức khỏe.  Cả nhóm sẽ thi chung đề, điểm xét tuyển sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của mỗi trường. 

Các trường ĐH trong nhóm đứng ra tổ chức thi nên đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc, giảm thiểu mọi tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng theo GS Tạ Thành Văn, khó khăn lớn nhất của các trường trong nhóm hiện nay là đề thi. Vì vậy, nhóm mong muốn Bộ GD&ĐT hỗ trợ vấn đề này. Một khó khăn nữa là về kinh phí tổ chức thi. 

Những năm trước, khi còn kỳ thi THPT quốc gia, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần lớn, các trường ĐH chỉ thêm vào. Chính vì vậy, GS Tạ Thành Văn mong muốn Bộ cho phép các trường được tự hoạch toán thu chi đối với kỳ tuyển sinh riêng.

Còn GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho rằng, với phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra thì việc tuyển sinh của các trường ĐH năm 2020 có thể diễn ra theo các hướng: Một số trường vẫn tuyển sinh theo phương án xét tuyển thông qua học bạ như những năm trước;  Một số trường sẽ tuyển sinh căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; Một số trường ĐH lớn có uy tín đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.

Tuy nhiên, theo  GS Đinh Văn Sơn, thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi của các trường? (vì thí sinh có nhiều nguyện vọng); nếu thí sinh dùng kết quả thi của trường này để xét tuyển vào trường khác thì có được chấp nhận hay không? Chi phí tổ chức thi, các trường tính toán với nhau thế nào?...

GS Đinh Văn Sơn cũng thừa nhận một câu hỏi muôn thủa đối với các trường trong mùa tuyển sinh năm nay là tình trạng thí sinh ảo sẽ giải quyết ra sao khi các trường tổ chức thi độc lập cũng đồng nghĩa không có các “nhóm xét tuyển” như những năm trước nữa.

GS Sơn đề xuất 2 phương án mà theo ông là tối ưu nhất cho tuyển sinh đại học 2020. Đó là Bộ chủ trì một kỳ thi “3 chung rút gọn” (rút gọn đợt thi, rút gọn số môn thi). 

Phương án này sẽ thuận lợi nhất cho các trường trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó nhất thiết phải hình thành các nhóm xét tuyển như năm trước để hạn chế tình trạng thí sinh ảo.

Hoặc Bộ GD&DT cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh năm 2020 theo hướng các trường ĐH có cùng khối ngành đào tạo hoặc có các tổ hợp môn thi xét tuyển giống nhau cần hợp tác tổ chức kỳ thi chung của các trường đó.

“Không nên mỗi người mỗi ngựa, mạnh ai người đó chạy. Khi xây dựng phương án tuyển sinh cần tính đến quyền lợi của thí sinh. 

Ðây có thể coi là giải pháp tình huống trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Và nếu nhìn xa hơn thì có thể coi là thời kỳ chuyển tiếp quá độ để tiến tới các trường đại học tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh”, Giáo sư Đinh Văn Sơn nói. 

Nghiêm Huê