|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không cấp margin cổ phiếu D2D, Gelex Electric

10:38 | 15/08/2024
Chia sẻ
Danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ của HOSE cập nhật đến ngày 14/8 gồm 81 mã.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo bổ sung cổ phiếu của CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) và CTCP Điện lực Gelex (Gelex Electric - Mã: GEE) vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Trường hợp D2D, doanh nghiệp bất động sản công nghiệp ở Đồng Nai có lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 là số âm.

Cụ thể, báo cáo của D2D ghi nhận lỗ bán niên hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 7 tỷ đồng. Theo phía doanh nghiệp, doanh thu tài chính giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 30% và 36%.

Đối với Gelex Electric, thành viên của Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) này mới giao dịch đầu tiên trên HOSE vào 14/8, thuộc trường hợp chưa niêm yết đủ 6 tháng.

Trước đó, ngày 12/8, HOSE đã bổ sung NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 vào danh sách do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 là số âm. Ngày 6/8, HOSE bổ sung AAM của Thủy sản Mekong vào danh sách với lý do tương tự.

Tính đến 14/8, danh sách không cấp margin của HOSE có 81 chứng khoán, bao gồm 77 cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ. Chứng khoán trong danh sách chủ yếu thuộc các trường hợp cảnh báo, kiểm soát, hạn chế, đình chỉ giao dịch; doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính 2023/bán niên 2024 là số âm; nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế; hay thời gian niêm yết dưới 6 tháng.

Đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu tháng 8, sở đã thông báo bổ sung 4 cổ phiếu VIT của Viglacera Tiên Sơn, L40 của Đầu tư Xây dựng 40, KSD của Đầu tư DNA, VTV của Năng lượng và Môi trường VICEM.

Với Đầu tư Xây dựng 40, nguyên do là công ty nhận kết luận của cơ quan thuế về vi phạm pháp luật thuế. Ba trường hợp còn lại, lợi nhuận 6 tháng đầu năm và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6 là số âm.

Xuân Nghĩa

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.