Khối tự doanh gia tăng áp lực bán tuần giao dịch đỏ lửa, xả mạnh phiên đáo hạn phái sinh
VN-Index có tuần giảm sâu thứ hai do tác động tiêu cực của nhóm ngân hàng
Tuần giao dịch (12 - 16/7), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp đà giảm điểm. Theo đó, VN-Index đã có hai tuần giảm mạnh liên tiếp. Thông tin diễn biến dịch COVID-19 phức tạp khu vực phía nam cộng với tâm lý e ngại sau hai tuần lao dốc của thị trường khiến thanh khoản trên cả hai sàn HOSE và HNX giảm mạnh.
Diễn biến chỉ số, sau hai phiên rớt mạnh đầu tuần, VN-Index đã hồi phục khi rơi về ngưỡng hỗ trợ quanh 1.270 điểm. Theo quan sát, thị trường đã có 4/5 phiên dao động quanh vùng 1.270 - 1.290 điểm. Nhưng phiên thứ Năm (15/7), chỉ số chính thức đã vượt khỏi vùng này cho thấy tín hiệu lạc quan hơn.
Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.299,31 điểm, giảm 3,55% (tương đương 47,83 điểm) so với cuối tuần trước. Khác với sàn HOSE, chỉ số của sàn HNX phục hồi nhẹ khi tăng 0,34% lên 307,76 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 2,02% xuống 85,33 điểm.
Mức giảm gần 48 điểm của VN-Index tuần này do tác động lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, trong 10 mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số có đến 7 đại diện từ nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường này, khiến VN-Index mất 27 điểm. Trong đó, VCB, TCB, CTG, VIB là bốn cổ phiếu tác động lớn nhất đến đà giảm của VN-Index.
Chiều ngược lại, giao dịch khởi sắc của MSN và NVL đóng vai trò nâng đỡ VN-Index. Ngoài ra, đà tăng một số mã khác phần nào giúp chỉ số không giảm sâu như HDG, SBT, SJS, LGC, BWE và VCG.
Khối tự doanh xả 685 tỷ đồng tuần đỏ lửa
Đà giảm của nhóm ngân hàng đến từ áp lực bán của những nhà đầu tư cá nhân trong nước sau giai đoạn tăng nóng. Lực mua ròng nhẹ (33,1 tỷ đồng) cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HOSE từ khối tự doanh của các công ty chứng khoán không thể giúp nhóm này tránh một tuần giảm sâu.
Mặc dù mua vào nhóm ngân hàng, song về tổng thể bộ phận tự doanh vẫn rút ròng trong tuần giao dịch đỏ lửa. Tổng cộng khối này bán ròng 685,69 tỷ đồng trên sàn HOSE qua kênh khớp lệnh và thỏa thuận, riêng bán khớp lệnh là 698,5 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu tháng 7, giá trị bán ròng là hơn 1.200 tỷ đồng.
Tuần trước đó (5 - 9/7), khối tự doanh các CTCK nâng đỡ chỉ số khi mua ròng 184 tỷ đồng trên sàn HOSE, cá biệt là phiên mua mạnh 509,03 tỷ đồng (7/7) khi VN-Index rơi 56 điểm.
Theo dõi giao dịch từng phiên tuần này, khối tự doanh mua ròng duy nhất trong phiên thị trường giảm sâu (12/7), khi có thời điểm VN-Index mất hơn 70 điểm. Nhưng khối này trở lại bán ròng sau đó theo đà hồi phục của thị trường. Tâm điểm trong phiên đáo hạn phái sinh (15/7), giá trị bán ròng của khối tự doanh gần 750 tỷ đồng.
Tâm điểm bán ròng HPG
Trong tuần này, áp lực xả chủ yếu tại nhóm VN30 với giá trị gần 590 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng diễn ra tại 27/30 cổ phiếu, ba mã được mua ròng là VPB, PNJ và STB.
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị xả mạnh nhất với giá trị 309,3 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 6,8 triệu đơn vị. Theo sau đó, hai chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội là FUEVFVND và E1VFVN30 bị bán ròng lần lượt 168,4 tỷ đồng và 57,2 tỷ đồng.
Nhóm bị bán ròng mạnh nhất trong tuần này với giá trị dưới 60 tỷ đồng còn có các bluechip như VIC (56,4 tỷ đồng), VNM (40,4 tỷ đồng), MSN (38,6 tỷ đồng), MBB (38,1 tỷ đồng), VRE (28,8 tỷ đồng). Hai mã vốn hóa vừa khác là NKG (29,8 tỷ đồng) và HDG (30,7 tỷ đồng). Như vậy, MBB là mã ngân hàng duy nhất nằm trong nhóm bị khối tự doanh bán ròng mạnh tuần này.
Chiều ngược lại, cổ phiếu IJC dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị 122,8 tỷ đồng. Đây là mã duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng tuần này. Theo dõi giao dịch, trong ba phiên 12 - 14/7, cổ phiếu IJC giao dịch thỏa thuận lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Hai phiên cuối tuần, giá mã này hồi phục nhưng không xuất hiện giao dịch thỏa thuận.
Theo sau đó, mã VPB của VPB được mua ròng 91,8 tỷ đồng. Những cổ phiếu ghi nhận giá trị mua ròng 10 - 40 tỷ đồng là DBC, ACB, NLG và PNJ. Lực mua yếu ớt dưới 10 tỷ đồng xuất hiện tại GMD, STB, HCM và ELC.