|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối tự doanh CTCK tiếp gom cổ phiếu ngân hàng bất chấp đà tăng giá mạnh

09:00 | 17/05/2021
Chia sẻ
Sau khi bán ròng trong tuần đầu tháng 5, khối tự doanh CTCK trở lại mua ròng với giá trị hơn 790 tỷ đồng trên sàn HOSE. Hoạt động mua vào tập trung tại cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30.

Khối tự doanh CTCK đảo chiều mua ròng hơn 790 tỷ đồng trên HOSE, tập trung gom 950 tỷ đồng rổ VN30

Tuần (10 - 14/5), VN-Index tiếp tục diễn biến hồi phục trong tuần và có tuần thứ hai liên tiếp tăng điểm sau nhịp điều chỉnh trong khoản thời gian 20/04 – 29/04 khi chỉ số giảm từ vùng đỉnh lịch sử 1.286 điểm về sát mốc 1.200 điểm. Trong 5 phiên giao dịch tuần qua, VN-Index đã có 3 phiên tăng so với 2 phiên giảm và ghi nhận mức tăng 24,5 điểm (1,98%) so với tuần trước đó. 

Thị trường đã có diễn biến giằng co khi chỉ số chạm các ngưỡng 1.260 điểm (ngày 11/5) và 1.270 điểm (13/5). Tuy nhiên, chỉ số đã sớm có lại sự cân bằng và tăng điểm ngay phiên sau đó. Theo quan sát, MSN là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index, với mức tăng 13,8% cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng 4,1 điểm. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có tuần chiếm nhiều vị trí nhất trong top 10 mã ảnh hưởng lớn đến chỉ số với 6/10 vị trí. Ở chiều tiêu cực, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã giảm 5,1% kéo VN-Index giảm 6 điểm. 

Diễn biến dòng tiền, khối ngoại có tuần bán ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng vượt 3.500 tỷ đồng. Mã HPG dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng, tiếp sau đó là CTG với giá trị bán ròng 900 tỷ đồng, NVL xếp thứ 3 với giá trị  459 tỷ đồng. Chiều mua ròng VPB dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị 350 tỷ đồng.

Ngược chiều khối ngoại, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng sau khi rút ròng nhẹ tuần trước đó. Thống kê tuần (10 - 14/5), khối tự doanh đảo chiều mua ròng 793,2 tỷ đồng trên sàn HOSE. 

Riêng trong nhóm VN30, khối này mua ròng 949,2 tỷ đồng. Trong tuần trước đó (4 - 7/5), khối tự doanh bán ròng với giá trị gần 254 tỷ đồng trên sàn HOSE nhưng mua vào gần 162 tỷ đồng mã VN30.

Giao dịch cụ thể tuần qua, bộ phận tự doanh CTCK mua vào 2.498 tỷ đồng trên sàn HOSE nhưng bán ra 1.705 tỷ đồng. Với các cổ phiếu trong rổ VN30, khối này mua vào hơn 2.200 tỷ đồng và bán ra gần 1.251 tỷ đồng.

Tự doanh CTCK tập trung mua ròng cổ phiếu ngân hàng

Khối tự doanh CTCK tiếp gom cổ phiếu ngân hàng bất chấp đà tăng giá mạnh - Ảnh 1.

Giao dịch của khối tự doanh CTCK tuần 10 - 14/5. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Thống kê giao dịch cụ thể tuần qua, khối tự doanh tập trong gom cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu về giá trị mua ròng với hơn 205 tỷ đồng. Đây cũng là mã được mua mạnh nhất trong rổ VN30. 

Hoạt động mua ròng của khối tự doanh góp phần đẩy giá cổ phiếu VPB tiếp tục tăng mạnh tuần qua, đánh dấu đà tăng trong 3 tuần liên tiếp của mã cổ phiếu này. Tính từ ngày 23/4 tới nay, giá cổ phiếu VPB đã tăng tới hơn 35%, từ 49.200 đồng/cp lên 66.600 đồng/cp.

Kế tiếp, giá trị mua ròng tại VIC và BID lần lượt là 127,8 tỷ đồng và 102,5 tỷ đồng. Đây là ba cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Lọt nhóm mua ròng mạnh tuần qua còn có các cổ phiếu ngân hàng như STB, MBB và CTG với gái trị mua ròng lần lượt là 96,4 tỷ đồng, 40,4 tỷ đồng và 39,5 tỷ đồng. Top10 mã được mua ròng lớn nhất trong tuần còn có MWG (48,3 tỷ đồng), VNM (46,9 tỷ đồng), MSN (42,7 tỷ đồng) và SSI (35,7 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, cổ phiếu MSB dẫn đầu về giá trị rút ròng tuần qua với 69 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF nội VFMVN Diamond cũng bị xả 65,3 tỷ đồng. Các mã còn lại bị rút ròng với giá trị dưới 50 tỷ đồng tuần qua. Trong đó có một số mã ngân hàng, đơn cử như ACB (40,8 tỷ đồng), EIB (22 tỷ đồng), TCB (11,6 tỷ đồng). Những cổ phiếu bị bán ròng dưới 15 tỷ đồng tuần qua còn có GVR, PPC, BMI, CII và FPT.

Hoàng Linh

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...