|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khơi thông 'dòng chảy' kiều hối thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

11:30 | 24/01/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia đánh giá nguồn kiều hối đổ về Việt Nam tăng liên tục qua các năm đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỷ giá.
Khơi thông 'dòng chảy' kiều hối thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Kiều hối về Việt Nam liên tục tăng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD (tương đương 6,4% GDP), xếp thứ 9 thế giới trong bảng xếp hạng nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2019.

Các chuyên gia nhận định đây là nguồn cung ngoại tệ vô cùng lớn không chỉ đóng một vai trò quan trọng giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, mà còn giúp tỷ giá Việt Nam ổn định trước “cơn sóng” lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Đa dạng nguồn kiều hối

Nếu trước kia nguồn kiều hối thường thông qua trợ cấp người thân là chính thì hiện nay đã đa dạng hơn, đến từ cả nguồn xuất khẩu lao động và đầu tư sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư; cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Mặt khác, dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp với tính chất cạnh tranh rất cao.

Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 4,5 triệu kiều bào sống, làm việc ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng cũng đồng thuận với việc lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục đưa ra các chương trình mới để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi này về Việt Nam một cách nhanh và hiệu quả nhất, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.

Lãnh đạo một ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 3 tháng cuối năm 2019, lượng kiều hối về qua hệ thống ngân hàng này tăng 30% so với các giai đoạn trước. Còn tính cả năm 2019, kiều hối chuyển về qua ngân hàng này tăng gần 40%.

Lượng kiều hối chủ yếu từ các quốc gia truyền thống như Mỹ, Anh, Canada. Lực lượng xuất khẩu lao động ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… cũng đóng góp ngày càng nhiều.

Cũng theo vị lãnh đạo này, doanh số kiều hối từ tháng 11/2019 - 1/2020 cao điểm nhất mùa Tết năm nay với khoảng 195 triệu USD, tăng khoảng 15 triệu USD (tương đương 8,3%) so với cùng thời điểm năm trước, dù tháng Một năm nay chỉ giao dịch 2 tuần.

Còn tại Vietcombank, tổng lượng kiều hối chuyển về qua ngân hàng này trong năm 2019 vượt mức 2,5 tỷ USD (trong khi đó năm 2018 đạt 2,2 tỷ USD và năm 2017 đạt 1,9 tỷ USD). Mỗi ngày ngân hàng này chi trả bình quân 8 triệu USD cho khách hàng qua hai hình thức là trả vào tài khoản và chi bằng tiền mặt.

Theo thống kê, dòng kiều hối về Việt Nam qua 26 năm đã tăng khoảng gần 120 lần, từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; đến năm 2018 vọt lên 16 tỷ USD và năm 2019 đạt 16,7 tỷ USD.

Là một trong tâm kinh tế lớn của cả nước nên Thành phố Hồ Chí Minh luôn là nơi thu hút lớn nhất nguồn kiều hối đổ về. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 2019, lượng kiều hối đổ về đạt 5,6 tỷ USD (năm 2018 con số này đạt 5 tỷ USD và năm 2017 là 5,2 tỷ USD). Cũng theo ông Minh, 70% kiều hối của Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các chuyên gia nhận định nguyên nhân giúp cho nguồn kiều hối 'chảy' mạnh về nước trong thời gian qua được cho là nhờ cơ chế chuyển nhận kiều hối rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đánh giá nguồn kiều hối đổ về Việt Nam tăng liên tục qua các năm đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỷ giá. Những gia đình được nhận kiều hối từ người thân ở nước ngoài cũng có điều kiện tăng thu nhập, kích thích tiêu dùng và đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, kiều hối về nhiều cũng thể hiện mức độ hội nhập của quốc gia.

Khơi thông 'dòng chảy' kiều hối thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2.

Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế

Một lãnh đạo của Eximbank phân tích có thể do Mỹ liên tục giảm lãi suất USD nên kiều bào tích cực gửi tiền Việt Nam để tích lũy hoặc giúp người thân làm ăn, cải thiện cuộc sống. Mặt khác, do tỷ giá VND/USD ổn định, thậm chí tỷ giá vào thời điểm cuối năm 2019 thấp hơn đầu năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn cao nhất xấp xỷ 8%/năm, lãi suất VND bình quân 6%/năm nên người nhận kiều hối không còn găm giữ USD như trước.

Với mức chênh lệch này, dòng kiều hối có xu hướng chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Chính vì vậy, Việt kiều chuyển tiền về nước gửi tiết kiệm vẫn lời hơn. Nhờ thế, hệ thống ngân hàng luôn có sẵn nguồn cung USD rất lớn, bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ cho thị trường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng kiều hối bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Dòng chảy này tăng cao một phần nữa cũng là do người Việt làm việc ở nước ngoài tin vào sự ổn định của nền kinh tế và nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở thị trường trong nước. Lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI hay viện trợ phát triển ODA.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua các lĩnh vực đầu tư, bất động sản là nơi thu hút rất mạnh lượng kiều hối đổ về, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay môt số lĩnh vực rủi ro. Các chuyên gia cũng lo ngại nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung lướt sóng thị trường bất động sản mà không phải là mua để sử dung thì sẽ lại trở thanh ‘bong bóng’ như thời gian trước.

Để tiếp tục thu hút kiều hối, theo ông Hiếu, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn trong việc thu hút đầu tư như chính sách đầu tư, thương mại dành riêng cho người Việt ở nước ngoài. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để kiều bào ở nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thông qua các văn phòng lãnh sự, Ủy ban người Việt ở nước ngoài...

Cũng theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục linh hoạt trong điều hành giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, kiều hối là nguồn tiền của dân nên việc quyết định đầu tư vào đâu là quyền của họ. Chính vì vậy, muốn hướng kiều bào đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay những hoạt động khác mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước thì Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho họ hay những người thụ hưởng nguồn tiền này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản, thủ tục hành chính để nguồn kiều hối ngày càng hấp dẫn hơn.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định lợi thế lớn nhất của kiều hối là không tiềm ẩn rủi ro:

Thúy Hà