|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khơi thông cơ chế thị trường cho doanh nghiệp hàng không

06:00 | 25/02/2023
Chia sẻ
Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Chiều 24/2, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) chủ trì tổ chức Tọa đàm Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt nhằm thảo luận, phân tích về thực trạng của ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn mới, đánh giá các khó khăn và thách thức đặt ra trong giai đoạn trước mắt và dài hạn.

Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. 69 đường bay nội địa đã được các hãng hàng không tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.

Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế, gấp 22 lần so với năm 2021.

Theo Phó Chủ tịch VABA Bùi Doãn Nề, Việt Nam đã có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành hàng không dưới nhiều hình thức. Những biện pháp hỗ trợ này được thực hiện qua nhiều chương trình, nhiều “gói hỗ trợ” khác nhau. Trên thực tế, những hình thức hỗ trợ này chưa được liên kết với nhau để tạo ra một hiệu ứng tổng hợp chung cho toàn ngành, thậm chí cho từng nhóm doanh nghiệp.

Thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công suất, các hãng bay đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, cũng như xây dựng các dòng sản phẩm mới, đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách. Tuy nhiên, giữa bức tranh khởi sắc chung của toàn ngành, nhiều ý kiến cho rằng sự phục hồi ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng không là chưa đồng đều. Đặc biệt khi các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới nảy sinh.

Theo Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, vận tải hàng không trong nước đã đón nhận tín hiệu khởi sắc từ thị trường nội địa, hỗ trợ tốt cho hoạt đông của các hãng bay trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề số lượng, bởi thị trường nội địa vẫn chưa thể hiện hết vai trò trong vận tải hàng không nói chung.

Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho rằng: "Bản chất sau đại dịch chuỗi cung ứng của ngành hàng không trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, điều này khiến cho chi phí đầu vào tăng mạnh. Vì chi phí tăng như vậy nên dù thị trường nội địa có tăng trưởng nhưng thực chất hiệu quả kinh tế mang lại chưa bền vững.

Cùng với đó, các hãng bay phải tiếp tục đối diện với giá nhiên liệu bay (Jet A1) có khả năng tiếp tục tăng, tỷ giá USD cũng liên tục tăng gây áp lực tài chính lớn.

Các chuyên gia nhận định, đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường. Do đó, trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý, là mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lợi nhuận ở mức âm.

Về phía các hãng hàng không cho rằng, đứng trước ngưỡng cửa hồi phục và phát triển trong giai đoạn mới, bên cạnh sức mạnh nội tại, ngành hàng không Việt Nam đang rất cần những trợ lực mới đến từ cơ chế chính sách để tăng trưởng hết tiềm năng của thị trường.

Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không, ngành hàng không Việt Nam có thể đạt mức hồi phục toàn phần vào cuối năm 2023. Dự kiến, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.

Diệp Anh