|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khối tài sản ròng của các tỷ phú Việt nằm ở đâu so với giới tài phiệt Đông Nam Á?

10:35 | 08/04/2022
Chia sẻ
Năm nay Việt Nam có 7 cái tên xuất hiện trong danh sách tỷ phú toàn cầu của Forbes, một con số kỷ lục.

Vừa qua, tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022. Đáng chú ý, Việt Nam năm nay đã có thêm một tỷ phú USD mới là ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Nova Group.

Trong ngày 5/4, khối tài sản ròng của ông Nhơn được Forbes thống kê có giá trị khoảng 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 thế giới. Theo The Real Time Billionaires List của Forbes, tính đến sáng 6/4, ông Nhơn đã có bước nhảy vọt từ vị trí 1.053 thế giới lên 904 thế giới, sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, đồng thời cũng trở thành người giàu thứ hai Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam hiện có tổng cộng 7 tỷ phú USD trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Forbes, bao gồm ông Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Thành Nhơn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương.

Mặc dù đây là năm mà Việt Nam có nhiều tỷ phú USD nhất xuất hiện trong danh sách được tạp chí Forbes công bố, nhưng thực tế con số này vẫn còn kém so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, trong danh sách năm 2022 của Forbes, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia có ít nhất một tỷ phú được vinh danh, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, theo số liệu được cập nhật trên The Real Time Billionaires List sáng 8/4.

Trong đó, Indonesia là quốc gia có nhiều tỷ phú xuất hiện trong danh sách năm nay với 30 người. Cái tên dẫn đầu danh sách tỷ phú của quốc gia này là Robert Budi Hartono, người sở hữu và điều hành Djarum, nhà sản xuất thuốc lá đinh hương lớn thứ ba thế giới. Djarum được cho là gần đây đã thâu tóm cổ phần từ hãng thuốc lá số hai, Sampoerna. Hiện ông đang sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên tới 22,8 tỷ USD, đồng thời là người giàu thứ 71 thế giới.

Trong khi đó, Thái Lan là quốc gia có số lượng tỷ phú USD nhiều thứ hai tại khu vực Đông Nam Á với 28 người. Người dẫn đầu danh sách tỷ phú của xứ Chùa Vàng là ông Dhanin Chearavanont, chủ tịch cấp cao của CP Group, công ty tư nhân lớn nhất Thái Lan. Hiện ông đang nắm giữ khối tài sản ròng có giá trị lên tới 13,8 tỷ USD, là người giàu thứ 136 thế giới.

Cũng có 28 tỷ phú xuất hiện trong danh sách của Forbes là Singapore, Trong đó, người dẫn đầu danh sách tỷ phú của quốc gia này là ông Li Xiting, nhà sáng lập và chủ tịch Mindray, nhà sản xuất thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc. Hiện ông nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 17,6 tỷ USD, là người giàu thứ 104 thế giới.

Các quốc gia còn lại có số lượng tỷ phú lần lượt là Malaysia (16 người) và Philippines (21 người).

 Số lượng tỷ phú của các quốc gia Đông Nam Á trong bảng xếp hạng tỷ phú Forbes năm 2022. (Nguồn: Forbes, tổng hợp: Quốc Anh).

Trong số những quốc gia Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách năm nay, Việt Nam là nước có ít cái tên nhất với chỉ 7 người. Hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn người giàu nhất Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Vingroup hiện sở hữu khối tài sản ròng trị giá 6,3 tỷ USD, đứng thứ 419 thế giới.

Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là ông Bùi Thành Nhơn (3,3 tỷ USD – hạng 946 thế giới), ông Trần Đình Long (3,3 tỷ USD – hạng 993 thế giới), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (3,1 tỷ USD – hạng 1.028 thế giới), ông Hồ Hùng Anh (2,4 tỷ USD – hạng 1.317 thế giới), ông Nguyễn Đăng Quang (2 tỷ USD – hạng 1.601 thế giới), ông Trần Bá Dương & gia đình (1,6 tỷ USD – hạng 1.911 thế giới).

Tổng giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú cùng giá trị tài sản ròng của người giàu nhất ở từng quốc gia Đông Nam Á. (Nguồn: Forbes, tổng hợp: Quốc Anh).

Về tổng giá trị khối tài sản ròng mà các tỷ phú đang nắm giữ, Indonesia tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, đứng ở vị trí tiếp theo lần lượt là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Có thể thấy, dù ghi nhận con số kỷ lục các tỷ phú USD trong năm 2022, song khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam hiện vẫn còn một khoảng cách nhất định.

Quốc Anh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.