|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khôi phục sản xuất: Doanh nghiệp 'khát' lao động

14:25 | 31/10/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho việc khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, với nguồn vốn cạn kiệt, thiếu nhân lực do “dư âm” của dịch bệnh để lại khiến doanh nghiệp vẫn đầy gian nan khi mở cửa lại sản xuất.

Khảo sát tại 300 doanh nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động (ERC) cho thấy, dưới tác động của dịch COVID-19 có tới 60% lao động đang nghỉ việc, 7% giãn cách, chỉ khoảng 10% sản xuất 3 tại chỗ.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), lượng lao động về quê do tác động từ đợt dịch lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu nhân lực. Doanh nghiệp chưa đủ “lao động xanh” để có thể sản xuất trở lại, đặc biệt là tại một số tỉnh thành phía Nam, độ phủ vaccine cho người lao động vẫn ở mức thấp. 

Điều này có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng một lần nữa mà nguyên nhân là do khan hiếm lao động.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), sự trở lại sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn vô vàn khó khăn đi kèm. Vì chậm khôi phục sản xuất nên nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước đã bị lỡ nhịp. Theo nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội.

Một điều đáng quan tâm là hiện nay, rất nhiều lao động ở phía Nam trở về quê, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ của các doanh nghiệp sản xuất. Đăc biệt là khó khăn về lao động trong khu vực dịch vụ đang bị đứt gãy. Về các doanh nghiệp phía Bắc, nhiều nơi cũng đang thiếu hụt lao động. 

Những khó khăn này đến từ việc một số địa phương siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được, ông Lộc cho hay.

Mới đây, 19 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh Tiền Giang cũng đã “kêu cứu” vì chưa thể khôi phục sản xuất do thiếu nhân lực. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động còn ở mức thấp, cùng đó là những chính sách tiếp tục lấy mô hình sản xuất 3 tại chỗ làm trọng tâm, các yêu cầu xét nghiệm phức tạp đang gây lãng phí tài chính và khó khăn cho các doanh nghiệp tại tỉnh này.

Chủ một doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang cho hay, về phía người lao động, dù địa phương đã được tiêm mũi 1 đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được quay lại nhà máy, bởi theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang, "sản xuất phải an toàn – an toàn mới sản xuất”.

Cùng với đó, trong khi đầu tháng 10/2021, nhiều tỉnh thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. 

Nhưng tại Tiền Giang, vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất 3 tại chỗ làm trọng tâm gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp này cho hay.

Theo chia sẻ của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu  - Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn khi mở cửa sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp có số lượng nhân công lớn, hàng nghìn người bởi các địa phương áp dụng các biện pháp khác nhau trong việc cho phép người lao động di chuyển.

Trước những bất cập đó, Cục đã đề xuất Chính phủ có văn bản chung quy định các tiêu chí về việc di chuyển của người lao động, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người lao động, doanh nghiệp và địa phương, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Đại diện nhóm doanh nghiệp da giày – túi xách Việt Nam – bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho hay, người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp, nhất là đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. 

Việc giữ chân người lao động, làm cho họ gắn bó với doanh nghiệp là giải pháp căn cơ mà mỗi doanh nghiệp phải làm; trong đó có các vấn đề cấp bách như tiêm vaccine, chế độ hỗ trợ...

Để doanh nghiệp trở lại sản xuất, chuẩn bị cho đơn hàng năm tới, bà Xuân đề nghị Chính phủ đưa lao động trong các ngành cần sử dụng nhiều lao động để sản xuất xuất khẩu vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. 

Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi đưa lao động trở lại làm việc thông qua việc sắp xếp phương tiện vận chuyển, tạo khu nhà trọ xanh… Đặc biệt, bà Xuân cho rằng, cần tạo cơ chế mở, trao quyền cho doanh nghiệp trong việc kiểm soát người lao động, xét nghiệm…

Nhóm các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị, không bắt buộc sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 địa điểm; cho phép người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày được quay lại nhà máy sản xuất vào đầu tháng 11/2021. 

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch trong cơ quan cũng như cam kết của doanh nghiệp và người lao động.

Cùng đó, các doanh nghiệp đề nghị chỉ test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế; cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine được quay trở lại tỉnh Tiền Giang làm việc…

Theo ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện có 76/186 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được phê duyệt và đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với trên 17.000 lao động. 

Các doanh nghiệp khôi phục hoạt động nhưng phải bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch. Tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để doanh nghiệp hoạt động tốt nhất theo các mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"; kết hợp "3 tại chỗ" với "1 cung đường 2 điểm đến.

Ông Trường khẳng định, vấn đề bảo đảm sức khỏe cho công nhân khi trở lại làm việc cũng rất quan trọng vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để dịch tái bùng phát trở lại. Do vậy, những doanh nghiệp không đảm bảo được các yêu cầu thì trước mắt không thể phê duyệt để tái hoạt động. Chưa kể, việc tiêm ngừa bao phủ vaccine chưa đạt nên nhiều công nhân chưa thể trở lại làm việc theo quy định...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Dũng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.