|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng gần 940 tỷ đồng trong tuần VN-Index rơi khỏi ngưỡng 1.060 điểm

10:45 | 11/02/2023
Chia sẻ
Trên HOSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị hơn 860 tỷ đồng với cả 5 phiên mua ròng trong tuần. STB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 770 tỷ đồng.

VN-Index tiếp tục có một tuần giảm điểm, chỉ số đã để mất 21,85 điểm tương ứng mức giảm 2,03% chốt tuần tại 1.055,3.

Trong tuần giao dịch vừa qua, thanh khoản của thị trường liên tục suy yếu, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE từ mức trung bình khoảng 600 triệu đơn vị/phiên của tuần trước, tuần này mức thanh khoản trung bình chỉ còn khoảng 450 triệu đơn vị/phiên, thấp nhất là phiên ngày 9/2 với mức thanh khoản chỉ hơn 383 triệu đơn vị.

Top 10 mã ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index trong tuần phân bổ ở 5 ngành đó là bất động sản (VHM, VIC), bán lẻ (MWG), thực phẩm & đồ uống (MSN), ngân hàng (VIB, VPB và STB), vận tải (VJC) và vật liệu xây dựng (HPG, GVR) cho thấy áp lực bán lan tỏa trên toàn thị trường. Chiều tăng điểm, các mã trụ như VCB, GAS đã giúp VN-Index ít tiêu cực hơn khi giúp chỉ số tăng lần lượt 1,6 điểm và 0,9 điểm.

Trên HOSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị hơn 860 tỷ đồng với cả 5 phiên mua ròng trong tuần. STB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 770 tỷ đồng, trong bối cảnh cổ phiếu này cũng bắt đầu kín room khối ngoại.

Tháng 12/2022, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục mua vào cổ phiếu STB của Sacombank và trở thành cổ đông lớn. Cùng với nhóm quỹ ngoại này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua vào cổ phiếu của Sacombank trong giai đoạn gần đây dẫn đến hiện tượng cổ phiếu hết room sở hữu khối ngoại.

Trở lại với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua, HPG xếp thứ hai với giá trị mua ròng 195 tỷ đồng.

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại HNX, khối ngoại mua ròng gần 48 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 478 tỷ đồng.

 

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu PVS tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt hơn 21,7 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như CEO (20,1 tỷ đồng), TNG (3,4 tỷ đồng), PVI (1,8 tỷ đồng), TVD (1,5 tỷ đồng), ...

Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn không có nhiều điểm nhấn. Cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô hơn 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như HUT, THD, PLC, SFN, ... với giá trị dưới 1 tỷ đồng.

 

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, khối ngoại đảo chiều rút ròng với giá trị gần 29,3 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 42,9 tỷ đồng cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. 

Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VEA (16,6 tỷ đồng), ACV (2,3 tỷ đồng), SKH (1,2 tỷ đồng), HND (0,7 tỷ đồng), ...

Ở phía ngược lại, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 25,8 tỷ đồng. Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như MML (3,1 tỷ đồng), VTP (2,3 tỷ đồng), CST (0,9 tỷ đồng), MCH (0,8 tỷ đồng), ...

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán MB, nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đây đã là tuần giảm thứ hai liên tiếp của VN-Index kể từ khi tạo đỉnh ngắn hạn.

VN-index đang có vùng hỗ trợ 1.049 - 1.052 điểm, trong kịch bản vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng sẽ kích hoạt lực bán từ hoạt động cắt lỗ. Thanh khoản xuống thấp cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng, thị trường có thể chiết khấu rủi ro phía trước trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ ở thời điểm hiện tại.

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

 

 

 

Thu Thảo