Khối ngoại bán ròng lịch sử trong tháng 5
VN-Index đóng cửa tháng 5/2024 tại 1.261,72 điểm, tăng 52,2 điểm tương đương 4,32% so với cuối tháng 4/2024, với thanh khoản gần như đi ngang.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường trong tháng 5 đạt 25.054 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 21.802, giảm nhẹ 1% so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn 5,7% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm.
Xét theo khung thời gian tháng, tỷ trọng dòng tiền giảm về đáy ở nhóm bất động sản, chứng khoán, xây dựng & vật liệu, tiếp tục yếu đi ở các ngành ngân hàng, dịch vụ dầu khí; trong khi tăng trở lại ở nhóm thép, dệt may, sản xuất dầu khí, hàng cá nhân; đạt đỉnh ở bán lẻ, hóa chất, công nghệ thông tin.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tháng 5 là các đại diện đến từ nhóm ngân hàng và bất động sản. Trong đó, ba cổ phiếu VCB, BID, VHM khiến chỉ số đánh mất 10,3 điểm với "tội đồ" lớn nhất là VCB với hơn 5,4 điểm. Chiều ngược lại, với mức tăng hơn 61% trong tháng 5, HVN là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất lên thị trường chung với 6,1 điểm.
Trên HOSE, NĐT nước ngoài xả ròng 15.591 tỷ đồng, gấp 2,6 lần quy mô rút ròng của tháng 4 và là tháng bán ròng mạnh nhất trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 13.071 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với quy mô 4.774 tỷ đồng. Việc khối ngoại xả ròng cổ phiếu của Vinhomes đã kéo dài trong 7 tháng qua. Dưới sức ép rút ròng của khối ngoại, VNM có nhịp giảm gần 4,8% về 38.850 đồng/cp.
Đứng thứ hai là CTG với 1.709 tỷ đồng. Thống kê trong tháng qua, cổ phiếu của VietinBank bị khối ngoại bán ròng hầu hết các ngày trong tháng (chỉ mua ròng hai phiên 6/5 và 22/5 với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng). Trung bình, mỗi phiên khối này bán ròng 78 tỷ đồng. Giá trị lớn nhất rơi vào các phiên 28/5 (467 tỷ đồng), 29/5 (336 tỷ đồng), 27/5 (109 tỷ đồng) hay 15/5 (139 tỷ đồng). Chỉ riêng ba phiên gần nhất, giá trị bán ròng tổng cộng gần 910 tỷ đồng, chiếm hơn 53%.
Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như VPB (809 tỷ đồng), VRE (736 tỷ đồng), HDB (723 tỷ đồng), VCB (629 tỷ đồng), VNM (628 tỷ đồng) và HPG (579 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 1.551 tỷ đồng trong tháng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG vẫn diễn biến khởi sắc trên thị trường. Thị giá mã này có nhịp tăng hơn 15,8% trong tháng 5 để kết phiên tại 63.600 đồng/cp và vượt qua vùng đỉnh 1 năm tại 57.500 đồng/cp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại MWG cũng tăng lên đáng kể trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Sau nhiều thời gian dài liên tục bán ra, dòng tiền ngoại có xu hướng trở lại gom cổ phiếu của ông lớn ngành bán lẻ. Tính đến hết ngày 31/5, “room ngoại” tại Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận gần 48,75%.
Một số cổ phiếu cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại như DBC (672 tỷ đồng), HVN (483 tỷ đồng), NLG (328 tỷ đồng), NVL (243 tỷ đồng), PVT (151 tỷ đồng), MSB (128 tỷ đồng), DCM (112 tỷ đồng), SAB (111 tỷ đồng) và HPG (106 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 286 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm này rót ròng hơn 313,2 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng Công ty Idico.
Cùng chiều, MBS cũng được mua ròng với quy mô gần 151,2 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của GKM, HUT, TIG, … với giá trị dưới 50 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, khối ngoại tập trung bán ròng 68 tỷ đồng ở cổ phiếu BVS, theo sau là 36,6 tỷ đồng mã CEO. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu nhưPVS, TNG, VCS, ... với giá trị 25 - tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 3.693 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất 1.626,3 tỷ đồng ở cổ phiếu MSR của Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials.
Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu ABB (882,8 tỷ đồng), VEA (751,6 tỷ đồng), MCH (195 tỷ đồng) và BSR (78 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DDV của CTCP DAP-Vinachem dẫn đầu với quy mô hơn 35,4 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 15,7 tỷ đồng mã GHC và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như VPR, VNB và DGT.