Khối ngoại bán ròng gần 300 tỷ đồng tuần điều chỉnh, tâm điểm MSB, VNM
Trong tuần giao dịch (17 - 21/4), mốc 1.050 đã giúp VN-Index có diễn biến cân bằng trong 3 phiên đầu tuần, tuy nhiên sau khi thủng mốc này vào phiên ngày 19/4 diễn biến ngắn hạn của thị trường đã xấu đi nhanh chóng. Nỗ lực kiểm định môc 1.050 tỏ ra yếu ớt trong phiên ngày 20/4 và ngay sau đó VN-Index đã giảm mạnh hơn trong phiên cuối tuần (21/4) khi bên bán tỏ ra mất kiên nhẫn.
Chốt tuần, VN-Index rơi về mức 1.042,91 để mất 9,98 điểm, tương đương 0,95% so với tuần trước và có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.
Kết quả kinh doanh khả quan trong quý I đã giúp nhiều cổ phiếu midcap tăng mạnh trong tuần và lọt vào Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn đến VN-Index. Cụ thể như BMP tăng 18,6% trong tuần giúp VN-Index tăng 0,25 điểm, CTD tăng 20% trong tuần giúp VN-Index tăng 0,18 điểm.
Chiều ảnh hưởng tiêu cực dẫn đầu là VPB với mức giảm 5,1% đã kéo VN-Index giảm 1,72 điểm, GAS và VCB là hai vị trí tiếp theo với mức ảnh hưởng giảm lần lượt là 1,28 điểm và 1,05 điểm.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng trong tuần với giá trị hơn 300 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 405,5 tỷ đồng.
Năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230.000 tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141.700 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Kế hoạch 2023 được đặt ra trên cơ sở thận trọng, vừa duy trì tăng trưởng hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Trong đó, ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh tiến độ chiếm thị phần mảng khách hàng cá nhân của ngân hàng bán lẻ để mảng này trở thành động lực tăng trưởng chính của MSB.
Theo sau, cổ phiếu VNM của Vinamilk đứng thứ hai với giá trị bán ròng hơn 101 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ gần 9 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 10,8 tỷ đồng mua gom cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần. Kế tiếp là PVS (9 tỷ đồng), và các giao dịch tương tự dưới 3 tỷ đồng như CEO, TNG, IDJ, APS, TC6, HOM, ...
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 12,5 tỷ đồng ở cổ phiếu MBS của Chứng khoán MB, theo sau là 3 tỷ đồng mã NVB. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như BVS, TVC, VNR, NRC, L14, ... với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại quay đầu bán ròng nhẹ gần 4 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời dẫn đầu với quy mô gần 7,3 tỷ đồng. Theo sau là BSR (tỷ đồng), MCH (2,8 tỷ đồng), CST (1,8 tỷ đồng) và các giao dịch dưới 1 tỷ đồng ở các mã như CST, ABI, PHP, HPP, MPC, ...
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư tập trung bán ròng các cổ phiếu VTP (10,2 tỷ đồng), MML (6,9 tỷ đồng), VEA (2,5 tỷ đồng), QNS (1,6 tỷ đồng), MSR (0,5 tỷ đồng), ...
Vừa qua, Viettel Post vừa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2023 đạt 18.464 tỷ, giảm 15% so với năm ngoái do giảm doanh thu từ bán thẻ cào viễn thông còn kế hoạch doanh thu chuyển phát và logistics tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Trái lại, mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến tăng gần 47% lên 376 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường giảm liền hai tuần sau khi có chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp. Theo Chứng khoán MB (MBS), thanh khoản ở các phiên tăng thấp hơn các phiên giảm trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn cho thấy xu hướng giảm còn có thể tiếp diễn.
Cũng theo nhóm phân tích, các báo cáo kết quả kinh doanh quý I sẽ được công bố nhiều hơn trong tuần tới, cố phiếu riêng lẻ vẫn có cơ hội và thị trường có thể đi vào trạng thái phân hóa. Về kỹ thuật, VN-Index có thể dao động trong vùng hỗ trợ 1.020 - 1.040 điểm ở tuần tới.