|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại tranh thủ gom hơn 3.250 tỷ đồng cổ phiếu trước nhịp giảm sâu, mua ròng đột biến FPT

13:11 | 24/04/2022
Chia sẻ
Tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu FPT của CTCP Tập đoàn FPT. Động thái gom mua FPT của khối này diễn ra chủ yếu trong phiên cuối tuần (22/4) với giá trị tới 674 tỷ đồng, tương đương gần 6,2 triệu đơn vị và cân lại lực xả của nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường chứng khoán lại tiếp tục trải qua một tuần giao dịch đỏ lửa khi VN-Index ghi nhận 4 phiên đầu tuần giảm điểm mạnh và xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.400 điểm. Sau đó, nhờ dòng tiền bắt đáy tại nhóm bluechip giúp chỉ số phục hồi trong phiên cuối tuần, tuy nhiên mức độ phục hồi không đáng kể.

Tính chung cả tuần, VN-Index đã giảm hơn 79 điểm, tương đương 5,44% xuống 1.379 điểm trong khi HNX-Index dừng tại 359,12 điểm, giảm tới 13,82% so với tuần trước đó.

Điểm chung của hầu hết những phiên giảm mạnh gần đây là việc nhiều cổ phiếu bất ngờ lao dốc, thậm chí nằm sàn sau 14h, ngay trước phiên ATC. Lý giải về "lời nguyền" 14h, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn nhất là các công ty chứng khoán thực hiện bán giải chấp ở nhiều nhóm cổ phiếu. Ban đầu, các lệnh call margin xuất hiện ở các cổ phiếu có tỷ lệ đòn bẩy cao, gây áp lực sang cả nhóm bluechip.

Chính hiệu ứng "hòn tuyết lăn" đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn và bán ròng đột biến 5.287 tỷ đồng trong tuần này. Ngược lại, khối ngoại lại tranh thủ gom cổ phiếu giá rẻ trước nhịp giảm sâu. Tính riêng tuần này, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh mua ròng 3.256 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Theo thống kê, khối ngoại tìm đến hầu hết các nhóm ngành, điển hình nhất là bất động sản (797 tỷ đồng), công nghệ (771 tỷ đồng), điện (313 tỷ đồng), bán lẻ (250 tỷ đồng), sản xuất thực phẩm (228 tỷ đồng), vận tải (218 tỷ đồng), ngân hàng (206 tỷ đồng)....

Mua ròng đột biến FPT và cổ phiếu bất động sản trên sàn HOSE

Trên sàn HOSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng tới 3.291 tỷ đồng trong tuần qua, phần lớn được giao dịch qua kênh khớp lệnh. 

Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu FPT của CTCP Tập đoàn FPT. Động thái gom mua FPT của khối này diễn ra chủ yếu trong phiên cuối tuần (22/4) với giá trị tới 674 tỷ đồng, tương đương gần 6,2 triệu đơn vị và cân lại lực xả của nhà đầu tư cá nhân.

Theo công bố của FPT, trong quý I, doanh nghiệp ghi nhận 9.730 tỷ đồng doanh thu và 1.779 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 28,3% và 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái với động lực chính tới từ mảng công nghệ và viễn thông. Như vậy, sau một quý, công ty đã thực hiện gần 23% mục tiêu doanh thu và 23% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của năm.

Theo sau, dòng tiền ngoại rót hơn 306 tỷ đồng vào cổ phiếu GEX. Trước những tin đồn không có tính xác thực, mã này và các cổ phiếu cùng hệ sinh thái chịu áp lực bán tháo khiến thị giá giảm gần 27% từ đầu tháng 4 tới nay.

Mới đây, Dragon Capital đã mua thêm 800.000 cổ phiếu GEX trong phiên 15/4, nâng sở hữu từ 4,91% lên 5% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của Gelex. 

Trước những diễn biến tiêu cực trên thị trường bất động sản nói chung và cổ phiếu bất động sản nói riêng, NĐT nước ngoài tiếp tục xu hướng nhiều cổ phiếu địa ốc, điển hình như DXG (185 tỷ đồng), NLG (183 tỷ đồng), VRE (176 tỷ đồng), VIC (138,5 tỷ đồng) hay KBC (131 tỷ đồng). 

Bên cạnh đó, STB là cổ phiếu nhà băng duy nhất lọt Top10 mua ròng của khối này với quy mô 174 tỷ đồng. Nằm cuối danh mục là mã DCM với giá trị 105,9 tỷ đồng.

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Trái ngược với hai cổ phiếu cùng họ là VRE và VIC, VHM tiếp tục đứng đầu danh sách mã chịu áp lực xả của khối ngoại với quy mô 189 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau thời gian gom nghìn tỷ cổ phiếu DGC, khối này đã chốt lời gần 133 tỷ đồng mã này trên vùng đỉnh lịch sử. 

Nổi bật tại chiều bán là động thái bán ròng hàng loạt cổ phiếu nhóm tài chính như BVH (106 tỷ đồng), SSI (101 tỷ đồng), OCB (72 tỷ đồng) và VND (56 tỷ đồng). Ngoài ra còn một số mã khác như CII (83 tỷ đồng), HPG (83 tỷ đồng), PHR (57 tỷ đồng) và PTB (41 tỷ đồng).

Đẩy mạnh xả VCS trên sàn HNX

Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên bán với quy mô hơn 32 tỷ đồng. Trong đó, khối này gia tăng áp lực xả lên mã VCS của CTCP Vicostone với 21 tỷ đồng.

Chiều bán ròng ghi nhận giao dịch tại mã như PVS (19 tỷ đồng), theo sau là nhiều cổ phiếu khác như SHS (10 tỷ đồng), PMC (3 tỷ đồng) hay PVC (2 tỷ đồng).

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Trong khi đó, giao dịch mua ròng diễn ra khá ảm đạm tuần qua, trong đó mã được gom nhiều nhất là IDC chỉ với gần 8 tỷ đồng. Theo sau là các cổ phiếu TVD, TA9, IDC, IVS với giá trị không đáng kể. 

Quay đầu bán ròng nhẹ trên UPCoM

Sau suốt khoảng thời gian dài mua ròng mạnh tay trên thị trường UPCoM, khối ngoại quay đầu bán ròng nhẹ hơn 4 tỷ đồng. Theo quan sát, lực mua và bán của nhóm này diễn ra khá cân bằng. 

Tâm điểm bán ròng là mã VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam khi bị xả trong suốt tuần giao dịch, tương đương tổng quy mô hơn 25 tỷ đồng. Lực cung cũng hướng đến nhiều cổ phiếu quen thuộc như VTP (21 tỷ đồng), MCH (20 tỷ đồng), BSR (4 tỷ đồng) hay NTC (2 tỷ đồng).

Ngược lại, dòng tiền ngoại tiếp tục rót thêm 24 tỷ đồng vào cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi. Theo sau là các mã OIL (11 tỷ đồng), QTP (11 tỷ đồng), LTG (10 tỷ đồng), VGG (5,5 tỷ đồng)...

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Bảo Ngọc

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.