Khởi nghiệp từ… đống nợ
Cầu tiến, dấn thân, tính cam kết cao và tử tế là những gì chuyên gia tư vấn cao cấp Lý Trường Chiến nói về cậu học trò Đặng Thương Tín, nhà sáng lập và là CEO của Công ty TNHH Always. Gặp và trò chuyện với CEO trẻ này, tôi tin ông Lý Trường Chiến nói chẳng ngoa.
Đặng Thương Tín. (Ảnh: Hoàng Triều). |
Từ phát tờ rơi đến CEO thành đạt
Năm 2011, với số vốn ít ỏi và kinh nghiệm hữu hạn về kinh doanh tích cóp được, chàng trai Đặng Thương Tín sáng lập Công ty TNHH Always, chuyên phân phối mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trực tuyến. “Đây không phải là công ty đầu tiên của Tín bởi trước đó tôi đã thử sức ở lĩnh vực tổ chức sự kiện và đã rút ra nhiều bài học sau thất bại” - Đặng Thương Tín bắt đầu câu chuyện.
Từ nhỏ, Tín đã nuôi khát vọng trở thành doanh nhân. Thời gian đi học, anh vừa học vừa làm cho các công ty tổ chức sự kiện. Công việc nào Tín cũng từng làm qua, từ nhân viên bao gói sản phẩm, phát tờ rơi, làm MC, quản lý nhóm... Có được chút kinh nghiệm, năm 22 tuổi, Tín “ra riêng”, mở công ty chuyên về tổ chức sự kiện, lấy tên là Always. Thị trường quá khốc liệt, hết “đất” cho những công ty nhỏ nên sau một năm rưỡi vật lộn cạnh tranh, Tín rời khỏi thị trường với khoản nợ hơn 600 triệu đồng. “Khởi đầu thất bại, áp lực nợ nần… quá kinh khủng nên hễ thấy gì làm ra tiền chân chính là tôi nhảy vào. Lúc này, trang web phattoroi.vn tôi lập lúc còn làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện hoạt động khá hiệu quả, có vài hợp đồng vài trăm triệu đồng và nhìn thấy bạn bè làm bán hàng online thành công, tôi chuyển hẳn sang kinh doanh trực tuyến. Đầu tiên là bán các sản phẩm của một nhãn hàng Mỹ, sau đó phân phối độc quyền mỹ phẩm nhãn hiệu Sakura (Nhật Bản) và một số thương hiệu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng uy tín khác” - Đặng Thương Tín chia sẻ.
Việc kinh doanh bắt đầu có lãi, năm 2012, Tín mời chuyên gia Lý Trường Chiến về làm cố vấn, bắt tay vào xây dựng hệ thống quản trị, văn hóa công ty. “Always future day” - tầm nhìn 10 năm được đem ra bàn bạc, thảo luận hằng năm; chiến lược phát triển công ty, phát triển từng cá nhân mỗi năm được lên kế hoạch cụ thể, thiết lập hệ thống quản trị mục tiêu… “Mục tiêu 10 năm sau Always sẽ hoạt động tại Việt Nam và 4 thị trường trong khu vực ASEAN. Đầu tháng 7 vừa rồi, Always ở Singapore đã đi vào hoạt động, bước đầu phân phối các sản phẩm Sakura và một số sản phẩm xuất xứ từ Nhật. Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ 2 năm trước, Tín đã tính đến việc tìm kiếm nhân sự và đào tạo đội ngũ kế thừa.
Tính đường dài
Trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết làm giàu, Đặng Thương Tín khá quyết liệt và tự tin trong chiến lược cạnh tranh. So với các công ty bán cùng mặt hàng, Always có nền tảng quản trị và văn hóa công ty hơn hẳn, khi đủ nội lực sẽ bứt phá nhanh. So với những “ông lớn” trong ngành bán lẻ trực tuyến như Tiki hay Lazada, Always không phải đối thủ cạnh tranh và không trực tiếp cạnh tranh. Công ty đi vào phân khúc riêng và lấy linh động thắng quy mô. Chính sự năng động này đã giúp Always vượt qua giai đoạn khó khăn khi một nhãn hàng lớn công ty đang phát triển rất tốt gặp sự cố, buộc phải thu hồi. “Doanh số thời điểm đó rớt đến 60%. Tôi buộc phải họp toàn công ty, thông báo tình hình và đề nghị những ai có thể đồng hành với công ty 6 tháng nữa thì đứng sang một bên, ai muốn lựa chọn hướng đi khác thì sang một bên. 98% nhân viên chọn ở lại, tôi rất xúc động và càng quyết tâm phải vực dậy doanh số. Qua sự cố đó, Always có thêm bài học kinh nghiệm về chọn lựa sản phẩm phân phối và chỉ chọn phân phối hàng của những thương hiệu uy tín, có bề dày lịch sử” - Tín kể.
Giờ đây, khi việc kinh doanh đã đi vào ổn định, CEO trẻ này hướng đến mục tiêu đầu tư vào con người. “Vài năm tới, tôi sẽ giao việc kinh doanh lại cho CEO khác. Tôi muốn làm người gieo hạt, cho đi nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Tên gọi Always cũng là hướng đến sự lâu bền, khát vọng cống hiến cho cộng đồng, làm giàu bền vững. Nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp, dung lượng thị trường còn rất rộng cho các bạn trẻ thử sức kinh doanh. Các bạn trẻ mới bước vào sân chơi kinh doanh vẫn có cơ hội thành công nếu chọn đúng ngành nghề, đầu tư nghiêm túc, bài bản” - Tín bộc bạch.
Điều đáng trân trọng ở doanh nhân trẻ quê Quảng Nam này là dù khát khao làm giàu, anh vẫn dành sự ưu tiên cho việc bồi đắp kỹ năng sống, nuôi dưỡng tâm hồn. Theo Tín, Always là một tập thể trẻ, cần được trui rèn nhiều cả về kỹ năng làm việc và kỹ năng sống. Hằng năm, công ty dành ngân sách cho việc học, từ lãnh đạo đến nhân viên đều có ngân sách riêng và kế hoạch học tập cụ thể. Bản thân Tín cũng liên tục học, cập nhật kiến thức mới và đưa vào áp dụng trong việc quản trị công ty. Mỗi tháng, công ty trích 5% lợi nhuận để làm từ thiện. Vào ngày của cha, ngày của mẹ hằng năm, cả công ty cùng nhau làm những tấm thiệp mang thông điệp yêu thương gửi đến cha mẹ… Tất cả những việc làm đó được làm bằng sự tự nguyện, tình yêu thương và ý thức trách nhiệm của một công dân - doanh nhân trẻ.
Nhận về và cho đi
Đặng Thương Tín nhớ lại: “Tôi không quên những ngày đầu khởi nghiệp, vốn liếng không có, gia đình không ủng hộ, văn phòng là căn phòng nhỏ xíu ké của một công ty khác, ngày ngày tôi phải gọi điện thoại khắp nơi tìm hợp đồng, chạy ăn từng bữa. Sự động viên, hỗ trợ, dìu dắt của những người thầy, đàn anh và bạn bè đã tiếp thêm động lực để tôi đứng thẳng, đi tiếp. Đặc biệt, sự tận tâm, hết lòng của một người cộng sự (sau này là bạn thân) đã hết lần này đến lần khác vét cạn túi hùn vốn để tôi làm ăn. Tất cả sự tin cậy, hỗ trợ đó cho tôi thêm niềm tin, nguồn động lực vươn lên; nuôi dưỡng tâm nguyện được quay về đầu tư giúp đỡ người khác”.
Theo Thanh Nhân