|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khởi động kích cầu du lịch giữa 'điểm nóng' Covid 19

07:17 | 17/02/2020
Chia sẻ
Không khoanh tay đứng nhìn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam xắn tay hành động bằng việc thành lập Liên minh kích cầu du lịch, giúp du lịch vượt khó.

Hâm nóng điểm đến

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khủng hoảng giai đoạn này, Hiệp hội thành lập Liên minh kích cầu du lịch. 

Nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn (Hanoitouris, Saigontourist, Vietravel, Hanoi Redtours...), cơ sở lưu trú và hãng hàng không được huy động tham gia. Mục tiêu lớn nhất là sớm khôi phục thị trường du lịch nội địa trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Liên minh kích cầu quy tụ các đại diện tại ba miền, việc làm đầu tiên là đánh giá tình hình dịch bệnh và du lịch. 

Kích cầu chia làm ba giai đoạn là đang có dịch, qua thời điểm đỉnh dịch và hết dịch bệnh. “Chúng ta cần tỉnh táo để có định hướng đúng cho doanh nghiệp và du khách, thông tin nhiều hơn về những điểm đến an toàn”, ông Vũ Thế Bình nói. 

Ngoài các địa phương như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa có bệnh nhân dương tính với Covid-19, nhiều nơi khác đang kiểm soát tốt việc phòng chống dịch.

“Cần phải giải tỏa tâm lý cho khách trong giai đoạn này, hâm nóng thị trường du lịch”, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist, Phó Ban phụ trách khu vực phía Bắc nói. Xét tình thế hiện nay, du lịch Việt Nam có thể trông cậy vào kích cầu du lịch nội địa. 

Người Việt hơn ai hết hiểu rõ về từng điểm đến, tình hình dịch bệnh và tiến trình kiểm soát dịch bệnh ở địa phương, cho nên du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn suy giảm khách nghiêm trọng.

Ông Phùng Quang Thắng cho biết, các thành viên của Liên minh đang tích cực bàn thảo, lựa chọn các điểm đến an toàn. 

Thế nào là điểm đến an toàn? Ông Thắng cho rằng doanh nghiệp và địa phương kết hợp chặt chẽ để lựa chọn và xây dựng sản phẩm theo quy trình đảm bảo an toàn nhất có thể cho du khách. 

“Không thể làm thay hàng nghìn doanh nghiệp, Hiệp hội sẽ đưa ra các mô hình theo quy chuẩn để hâm nóng điểm đến, sau đó nhân rộng mô hình để các doanh nghiệp có thể làm theo”, ông Thắng nói.

Cuối tuần này Hiệp hội mới công bố một số điểm đến an toàn, tuy nhiên trước đó các nhà làm du lịch cân nhắc một số khu vực đảm bảo các tiêu chí như Quy Nhơn, Phú Yên, Tây Nguyên (Gia Lai, Buôn Mê Thuột). 

Khu vực Tây Nguyên vốn là những điểm đến rất ít hoặc hầu như không có khách Trung Quốc lui tới, cũng có thể là lựa chọn an toàn cho du khách dịp này.

Tăng giám sát

Nỗ lực của các nhà quản lý, doanh nghiệp là khiến du khách an tâm và tin tưởng vào những vùng xanh (chưa có người nhiễm bệnh, thực hiện tốt các quy trình phòng, chống dịch bệnh). 

Người dân thích du lịch và có tầm hiểu biết nhất định có thể tranh thủ cơ hội hiếm có để hưởng ưu đãi từ chương trình kích cầu. 

Chẳng hạn với tour du lịch Quy Nhơn-Phú Yên nghỉ tại khách sạn 3 sao trước kia có giá khoảng 6-7 triệu đồng, nay có thể chỉ phải bỏ ra một nửa số chi phí này.

“Chúng ta có giải cứu nông sản, vậy tại sao không có chương trình giải cứu du lịch, bởi thực tế thiệt hại của du lịch và hàng không rất lớn. 

Liên minh kích cầu du lịch là chương trình tốt, phi lợi nhuận với mục đích lớn nhất là truyền thông điệp để sốc lại tinh thần của người dân. Trong thời kỳ dịch bệnh, chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên hoảng loạn”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel nói.

Hiệp hội Du lịch Hà Nội ngày 16/2 khảo sát một số điểm du lịch, trong đó có thắng cảnh Hương Sơn. 

Chùa Hương dịp cuối tuần này không đông đúc nhưng không quá vắng vẻ, khách tuy thế hạn chế mua bán mà chỉ nhanh chóng hành lễ rồi ra về. 

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, khoảng 5 nghìn khách về chùa Hương ngày cuối tuần. 

Lượng khách cao gần gấp đôi so với tuần trước, đều là “khách ruột” về chùa hành hương. Lễ hội diễn ra hết tháng 3 âm lịch nên BQL vẫn hy vọng tình hình khả quan hơn trong thời gian tới.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng để đảm bảo an toàn cho khách cần sự cam kết của địa phương-doanh nghiệp lữ hành-hàng không. 

Hãng hàng không Vietnam Airlines có biện pháp phun khử trùng máy bay, trang bị cho khách khẩu trang, nước tẩy rửa cho khách. 

Các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến ở địa phương cũng cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ khiến khách an tâm hơn khi lựa chọn dịch vụ.

“Cái gì nguy hiểm phải dừng lại, cái nào thấy có thể kiểm soát và đảm bảo an toàn cho khách và người lao động thì nên thực hiện. 

Sau khi đưa ra mô hình cung cấp quy trình để khách du lịch an toàn, tôi cho rằng điều quan trọng là giám sát sản phẩm có thực sự an toàn cho khách hay không”, ông Phùng Quang Thắng nói. 

Trước khi đưa ra các sản phẩm kích cầu, Hiệp hội thảo luận để làm rõ địa phương nào tham gia kích cầu và có đảm bảo cung cấp sản phẩm, quy trình an toàn hay không.

Khởi động kích cầu du lịch giữa 'điểm nóng' Covid 19 - Ảnh 1.

Đi thuyền trên suối Yến - Ảnh: Tiến Đạt.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam tranh thủ thời gian nhàn rỗi mở 6 lớp bồi dưỡng kiến thức về các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, các điểm đến mới và ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo các doanh nghiệp của Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành và Hội Du lịch cộng đồng Hà Nội tham gia các lớp học để trao đổi, chia sẻ thông tin đồng thời kiến nghị Hiệp hội nhanh xúc tiến tương tác hai chiều để thúc đẩy thị trường đón khách vào Việt Nam với các đối tác tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ.

Nguyên Khánh