Khối công ty chứng khoán, phân hóa “giàu - nghèo” thêm rõ rệt
Khoảng cách thêm lớn
Báo cáo tài chính quý I/2017 mà các công ty chứng khoán công bố tính đến thời điểm này cho thấy, hiệu quả kinh doanh ngày càng có thêm sự khác biệt giữa các công ty có thị phần lớn nhất trên thị trường so với các công ty còn lại. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa ghi nhận 534,1 tỷ đồng doanh thu và 262,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2017, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.
Hay Công ty Chứng khoán TP. HCM (HCM) ghi nhận 217,7 tỷ đồng doanh thu, lãi hơn 94,8 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng khá ấn tượng của doanh thu trong các mảng: môi giới, lãi từ các khoản cho vay và phải thu, tư vấn đầu tư chứng khoán…
Tuy nhiên, trong Top công ty chứng khoán có quy mô vốn nhất trên thị trường, cũng có sự phân hóa đáng kể về hiệu quả kinh doanh, khi có những công ty lãi hàng trăm tỷ đồng, nhưng cũng có những công ty ghi nhận mức lãi khá khiêm tốn. Tuy lợi nhuận trong quý I/2017 tăng tới 27% so với cùng kỳ năm trước, nhưng Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng chỉ ghi nhận mức lãi 22,5 tỷ đồng…
Điểm đáng chú ý trong bức tranh lợi nhuận khá đẹp của các công ty chứng khoán top trên là một phần nhờ đánh giá lại tài sản theo quy định mới tại Thông tư 334/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 210/2014 về hướng dẫn kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đạt 103,6 tỷ đồng doanh thu, 52,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I, lần lượt tăng tới 148% và 184,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu tăng tới 61,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL.
Trái ngược với bức tranh kinh doanh tại các công ty chứng khoán top đầu, các công ty nhỏ tiếp tục thua lỗ, có thể kể đến những cái tên như HVS Việt Nam, Saigonbank Berjaya, Woori CBV…
Câu chuyện công ty chứng khoán lớn tiếp tục “lấn lướt” trong cuộc đua kiếm tiền, trong khi các công ty nhỏ đang tỏ ra đuối sức trong cuộc đua này, không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, nó đang làm gia tăng khoảng cách “giàu - nghèo” trong khối công ty chứng khoán.
Cuộc cạnh tranh thêm khốc liệt
Không chỉ thua lỗ triền miên, “cửa” để các công ty quy mô nhỏ, kinh doanh èo uột thoát khỏi tình cảnh thua lỗ ngày càng mịt mờ, do mức độ cạnh tranh giành giật khách hàng trong khối công ty chứng khoán ngày một gay gắt.
Với quy mô thị trường còn nhỏ, số lượng công ty chứng khoán đông, rõ ràng, các công ty chứng khoán nhỏ không thể cạnh tranh lại với những công ty chứng khoán lớn, thương hiệu được khẳng định trên thị trường và có tiềm lực tài chính mạnh, đáp ứng được nhu cầu đòn bẩy vốn của nhà đầu tư trong mảng cốt lõi, mảng môi giới.
Trong khi triển vọng của các công ty chứng khoán nhỏ mịt mờ, thì cơ hội với các công ty chứng khoán lớn càng rộng mở. Tới đây, SSI, HCM, BSC… là những công ty chứng khoán đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Dẫu thời gian đầu chưa dễ kiếm tiền trên mảng thị trường mới này, nhưng rõ ràng, khi một công ty chứng khoán có năng lực cung cấp cùng một lúc toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ cho nhà đầu tư, thì triển vọng để họ có thêm khách hàng, mở rộng dư địa phát triển là không thể phủ nhận.
Mặt khác, trong định hướng tái cấu trúc khối công ty chứng khoán mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thúc đẩy thì các tiêu chuẩn về an toàn tài chính, năng lực quản trị…, mà các công ty chứng khoán phải đáp ứng ngày một thêm cao để có thể sẵn sàng cho triển khai an toàn các nghiệp vụ có tính rủi ro cao như: giao dịch T+0, bán chứng khoán chờ về…
Quá trình này càng được thúc đẩy, thì “đất” phát triển cho các công ty chứng khoán lớn ngày một rộng thêm, ngược lại cơ hội cho công ty chứng khoán nhỏ phát triển thêm một ít đi. Điều này đồng nghĩa sẽ còn nhiều công ty chứng khoán ốm yếu phải “xóa tên” trên bản đồ công ty chứng khoán Việt Nam.