Khoét núi xây khu du lịch tâm linh sát cột cờ Lũng Cú
Trong khi tình trạng phá hoại cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu du lịch và công trình tâm linh xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều người hướng sự chú ý đến dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú với tâm điểm là ngôi chùa rộng 75 ha nằm sát cột cờ Lũng Cú.
Bạt núi để xây chùa
Cách cột cờ Lũng Cú chưa đầy 500 m về hướng đông nam, dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì quy mô xây dựng bề thế, án ngữ vị trí đẹp ngay sát danh thắng địa đầu Tổ quốc.
Toàn cảnh dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú. Ảnh: G.M.
Dự án được đầu tư bởi Công ty CP Phúc Lộc Hà Giang. Doanh nghiệp đã hoàn tất quá trình khoét núi tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú.
Với quy mô bề thế, lại lấn vào một phần diện tích của khu vực bảo vệ I và II của cột cờ (theo xác nhận của Bộ Văn hóa), công trình bị đặt nhiều câu hỏi về nguy cơ ảnh hưởng đến di tích và môi trường, cảnh quan xung quanh.
Theo người dân địa phương, quá trình giải tỏa đất để xây chùa đã phát sinh một số kiện cáo về đất đai. Với các chuyên gia về văn hóa, việc xây công trình Phật giáo bề thế cũng tạo ra những khác biệt với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở đây.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Trường Sơn, đại diện Công ty CP Phúc Lộc Hà Giang, cho biết doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được sự đồng thuận của Ban quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn khi tiến hành dự án.
Về việc dự án có một phần diện tích nằm trong khu vực bảo vệ I và II của cột cờ Lũng cú, ông Sơn khẳng định phần đất đó sẽ chỉ trồng cây cối để tạo cảnh quan, không xây dựng bất cứ hạng mục gì.
Dự án khu du lịch (điểm màu đỏ) nằm cách Cột cờ Lũng Cú khoảng 500 m về phía đông nam. Ảnh: Google Maps.
Tuy nhiên, khi phóng viên nêu vấn đề Phật giáo không phải tín ngưỡng gắn với đồng bào dân tộc ở địa phương, làm cách nào để hài hòa tôn giáo này với văn hóa bản địa, ông Sơn từ chối trả lời.
Theo đại diện doanh nghiệp, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, công trình còn mang ý nghĩa chính trị. Doanh nghiệp muốn ngôi chùa như "cột mốc văn hóa" để giữ chủ quyền đất nước.
"Chúng tôi là công ty cổ phần với gần trăm người góp vốn và kêu gọi công quả để xây dựng chùa. Sau khi xây xong sẽ bàn giao lại cho Giáo hội với đại diện là sư thầy Thích Đồng Huệ quản lý", ông Sơn nói và cho biết trong giai đoạn 2 của dự án có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng, phục vụ du khách để mang về nguồn thu cho doanh nghiệp.
Bộ Văn hóa 2 lần ra khuyến cáo
Trước việc tập đoàn Phúc Lộc khoét núi xây chùa và tượng Phật gần cột cờ Lũng Cú, Bộ Văn hóa từng có 2 văn bản khuyến nghị Hà Giang giám sát việc xây dựng đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích.
Trong văn bản ngày 17/4/2018, Bộ Văn hóa lưu ý dự án cần xác định loại hình du lịch trọng tâm thay vì gộp cả 3 yếu tố sinh thái - văn hóa - tâm linh như trong tên dự án.
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ khu vực thi công dự án. Ảnh: G.M.
Theo quan điểm của Bộ, nên phát triển du lịch sinh thái, chinh phục và thưởng ngoạn địa hình gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc.
Trong cả 2 công văn, Bộ Văn hóa đều lưu ý UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo... và nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án.
Liên quan đến các nội dung khuyến cáo của Bộ Văn hóa, đại diện Công ty CP Phúc Lộc Hà Giang cho biết các khuyến cáo này đã được hội đồng thẩm định ĐTM tiếp thu và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.
Ông Sơn khẳng định doanh nghiệp đã giải trình hết các khuyến nghị của Bộ Văn hóa và được bộ này đồng ý thì dự án mới được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 2/11/2018.
Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú có tổng diện tích 75 ha trên địa phận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Trong đó bao gồm khu tâm linh chùa Lũng Cú có diện tích 70,5 ha và khu đại tượng Phật có diện tích 4,5 ha.
Khu tâm linh chùa Lũng Cú bao gồm công trình chùa có diện tích 4,8 ha với các hạng mục cổng vào, tam quan, đền thờ các vị vua, các gian thờ Phật, thánh và các công trình ăn ở, vệ sinh... Khoảng 1,9 ha dùng để xây khu đào tạo Phật giáo. Còn lại 54,81 ha giữ nguyên hiện trạng.