|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Khó xử lý người nổi tiếng quảng bá tiền ảo chưa kiểm duyệt nội dung'

07:13 | 22/05/2021
Chia sẻ
Tiền ảo hiện chưa được chấp nhận trong thanh toán nhưng thị trường vẫn sôi động, có sự tham gia quảng bá của người nổi tiếng. Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã gửi văn bản yêu cầu các bên liên quan vào cuộc.

Thời gian gần đây, tình trạng nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên hay người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng tham gia quảng cáo sản phẩm tràn lan trên các mạng xã hội Facebook diễn ra ngày một nhiều.

Để kiểm soát hoạt động này, mới đây Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM ban hành công văn gửi các Hội Văn học nghệ thuật thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng một số văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội sai quy định pháp luật, trong đó có tiền ảo.

Quay lại thời điểm trước đó ngày 11/5, nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt như người mẫu Ngọc Trinh, diễn viên Kiều Minh Tuấn, Trần Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm, đã đồng loạt đăng tải một danh sách các đồng tiền ảo mà họ có vẻ đang muốn "chốt", gồm SHIB, DOGE... và đáng chú ý là đồng FXT hay FXT Token, một loại tiền ảo từng được VTV phản ánh là có dấu hiệu lừa đảo, đa cấp trá hình.

Người nổi tiếng quảng bá tiền ảo sẽ chịu xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Đồng bitcoin. (Ảnh: NAS News).

Điều đáng nói là ngay kể cả những thuật ngữ về tiền ảo như "moon" (giá lên) hay "crypto", "cryptocurrency" (tiền ảo), "chứng khoán" cũng không hiểu hết hoặc không phân biệt được. Nhưng, những người là diễn viên, nghệ sĩ kể trên đăng bài hô hào giới đầu tư tham gia thị trường và chốt những đồng tiền ảo.

Hiện các bài đăng về tiền ảo của những người nghệ sĩ này đã bị xóa. Điều này đã khiến cho cộng đồng phản ứng trái chiều trước hành động quảng cáo trước đó của các nghệ sĩ.

Trước vấn đề như đã nói xung quanh việc kinh doanh và quảng bá tiền ảo, chúng tôi đã trao đổi với LS. Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ông Tuấn Anh bày tỏ quan điểm rằng chính sự thiếu nhạy cảm và hiểu biết pháp luật về nội dung quảng cáo của các nghệ sĩ đã khiến họ lợi dụng uy tín của mình, sự tin tưởng của công chúng để quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa có quy định nào để xử phạt hay xử lý triệt để những hoạt động này mặc dù ở Việt Nam, đồng tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán và chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Bên cạnh đó, quảng cáo sai sự thật hay phản cảm thường nhắm tới các nhãn hàng, còn ở đây người nghệ sỹ hoàn toàn trình bày sản phẩm dưới quan điểm cá nhân.

Ông Trần Tuấn Anh nói: "Nếu họ sử dụng tư cách cá nhân để đăng tải thông tin như vậy thì không phải là vi phạm hành chính nên dưới góc độ pháp luật không thể xử phạt vi phạm đối với các đối tượng này".

Xét về mặt xã hội, ông Tuấn Anh bày tỏ quan điểm rằng họ là những người có ảnh hưởng tới cộng đồng và có tính chất định hướng dư luận. Vì vậy, họ có thể quảng cáo tiền ảo hay bất cứ sản phẩm hàng hóa, kể cả chưa rõ hoặc không biết công dụng (như tiền ảo, thuốc, thậm chí thực phẩm chức năng).

Mới đây, người đầu tiên lên tiếng về vụ việc là diễn viên Nam Thư. Bà cho biết đây là lỗi của người quản lý khi chưa hiểu tường tận sự nghiêm trọng của vấn đề mà đã nhận lời đăng bài của đối tác, đồng thời cho rằng đây cũng là lỗi của bản thân và xin lỗi người hâm mộ và cộng đồng.

Theo khảo sát của Statista, năm 2020, Việt Nam có độ phổ biến tiền ảo lớn thứ hai thế giới, đạt 21%, trong khi các quốc gia phát triển chỉ số này lại rất thấp như Mỹ (6%), Đức (5%), Nhật Bản (4%)... Điều này chứng tỏ sự quan tâm lớn của người Việt với đồng tiền ảo.

Thực tế, theo văn bản gửi cơ quan báo chí năm 2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

'Khó xử lý người nổi tiếng quảng bá tiền ảo mà chưa kiểm duyệt nội dung' - Ảnh 2.

Diễn viên Nam Thư lên tiếng vì quảng bá tiền ảo. (Ảnh: FBNV).

Cũng theo ông Tuấn Anh, những sự việc người nổi tiếng sử dụng hình ảnh cá nhân để định hướng dư luận, quảng bá sản phẩm là một điểm mà sắp tới phải hoàn thiện về mặt pháp luật.

Điều này bao gồm khi một người đưa thông tin hay review về sản phẩm thì buộc họ phải hiểu biết về công dụng, chứng minh tác dụng của sản phẩm. Với sản phẩm chưa được phép lưu hành tại Việt Nam như tiền ảo thì phải xem xét để họ chịu trách nhiệm trước nội dung sai sự thật hoặc gây thiệt hại. 

Có phương thức để xử lý vi phạm hành chính, hay nếu nặng hơn phải xử lý hình sự hoặc bồi thường cho những người tiếp nhận thông tin sau khi đã làm theo những hướng dẫn của họ. 

Tường Vy