Người dân Philippines 'phát sốt' với trò chơi kiếm tiền ảo của một startup Việt giữa đại dịch COVID-19
Khi COVID-19 ập đến Philippines, người dân ở thành phố Cabanatuan, Manila tìm đến một cách riêng để làm vơi bớt khó khăn trong cuộc sống vì lệnh phong toả: chơi game.
Trò chơi mà họ chọn không phải chỉ để cho vui mà để kiếm tiền. Axie Infinity, do Sky Mavis phát triển, cho phép người chơi kiếm được thu nhập thông qua các NFT (Non-fungible token: là một loại tiền mã hóa độc nhất, không thể thay thế) và tiền điện tử bằng cách nuôi, chiến đấu hoặc trao đổi thú ảo có tên Axies.
Công ty tư vấn mã hoá Emfarsis mới đây đã phát hành một bộ phim tài liệu ngắn trên YouTube mang tên gọi "Play-to-Earn" (tạm dịch: Chơi để kiếm tiền) nói về những người chơi Axie Infinity đầu tiên ở thành phố Cabanatuan.
Theo nội dung trong phim, Axie Infinity nổi lên thành một hiện tượng sau khi Coindesk chia sẻ một bài viết về trò chơi này vào hồi tháng 8 năm ngoái. Gần 60.000 người hiện đang chơi Axie Infinity, ông Jeffrey Zirlin, Giám đốc tăng trưởng của Axie, chia sẻ với CNBC.
Philippines hiện đang là thị trường có mức độ yêu thích trò chơi Axie Infinity lớn nhất. Đây cũng là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19.
Theo IHS Markit, GDP Philippines giảm 9,6% trong năm 2020, đây là mức giảm lớn nhất mà quốc gia này ghi nhận kể từ khi số liệu này được theo dõi từ năm 1946. Cuối tháng 3, làn sóng COVID-19 khiến Philippines phải áp dụng lệnh phong toả mới. Theo IHS Markit, số lượng người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong toả lên tới 26 triệu người, tương đương gần một phần tư dân số.
"Ban đầu, tôi không tin chơi trò này có thể kiếm tiền nhưng tôi đã thử", một game thủ có tên Art Art chia sẻ trong phim. "Vì đại dịch, chúng tôi không còn cách để kiếm tiền. Đó là lý do vì sao trò chơi này lại phổ biến ở Cabanatuan".
Một cặp vợ chồng gia, chủ của một cửa hàng, cũng chơi game khi đang làm việc. "Khi tôi ở cửa hàng, tôi thường chơi game", ông Lolo, năm 75 tuổi, chia sẻ. "Ngay cả khi tôi thua lỗ, tôi vẫn chơi".
Howard, một sinh viên đại học vừa tốt nghiệp, chia sẻ việc chơi Axie Infinity cũng giống như chơi cờ. "Nó đúng là một trò chơi chiến thuật", anh chia sẻ. Axie Infinity được phát triển lấy cảm hứng từ Pokémon và CryptoKitties, trong đó CryptoKitties là một trong những trò chơi đầu tiên phổ biến khái niệm game mã hoá.
"Miễn là bạn có điện thoại và Internet, bạn có thể chơi", ông Zirlin nói với CNBC.
Dù vậy, Axie Infinity thường bị chỉ trích vì tính biến động quá mạnh của tiền mã hoá. "Axie là một "nền kinnh tế" riêng. Nó có thể trải qua các đợt biến động giống bất kì một thị trường mới nổi nào vì các yếu tố vi mô nhưng về dài hạn chúng tôi tin rằng nó sẽ tăng trưởng", ông Zirlin chia sẻ.
Ông Zirlin dự đoán sẽ có nhiều trò chơi được tích hợp với Axie Infinity để tạo ra một dạng "vũ trụ trò chơi". Bên cạnh đó, người dùng cũng sẽ có thể truy cập trò chơi này trên máy tính, bên cạnh thiết bị điện thoại di động.
"Điều quan trọng là có tiền để phục vụ ăn uống, trả nợ và vượt qua mỗi ngày. Axie Infinity duy trì nhu cầu hàng ngày của chúng tôi, thanh toán nợ và hoá đơn", một bà mẹ ba con chia sẻ trong phim. "Tôi biết ơn Axie Infinity vì bằng cách nào đó nó đã hỗ trợ chúng tôi".
Hồi đầu tuần trước, Sky Mavis kêu gọi thành công 7,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A với sự tham gia của tỷ phú Mỹ Mark Cuban, 500 Startups, Collab+Currency, DeFi Alliance, CoinGecko Ventures, Animoca Brands và Libertus Capital.
Theo dữ liệu của Tech in Asia, đến thời điểm hiện tại, Sky Mavis đã gọi vốn thành công tổng cộng 9 tỷ USD. Ở vòng gọi vốn trước vào tháng 11/2019, startup này nhận 1,5 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư ConsenSys, 500 Startups, Hashed, Animoca Brands, Pangea Blockchain Fund.