Kho dự trữ có là 'cây đũa thần' giúp điều tiết giá heo hơi?
Trung Quốc kỳ vọng dùng kho dự trữ như một công cụ điều tiết giá heo
Tại Trung Quốc, kho dự trữ thịt heo đông lạnh được xem chiến lược đóng vai trò như công cụ để bình ổn giá mặt hàng này.
Khi giá heo hơi xuống thấp, chính phủ Trung Quốc tăng cường mua vào để hỗ trợ giá. Ngược lại, khi thị trường xảy ra những biến động về thiếu hụt nguồn cung, kho dự trữ lúc này tung một lượng hàng nhất định nhằm hạ nhiệt giá.
Giai đoạn 2018 - 2020, Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả heo Châu Phi. Có lúc tổng đàn heo của nước này giảm tới 40%, đẩy giá heo hơi có lúc vượt mốc 100.000 đồng/kg (quy đổi theo tiền Việt) khiến việc có một đĩa thịt heo trong bữa cơm trở thành điều xa xỉ. Đây cũng là lúc Trung Quốc liên tục “xả” kho dự trữ thịt heo.
Theo ước tính của Công ty tư vấn Enodo Economics ở London (Anh), trong giai đoạn 9/2019 - 8/2020, kho dự trữ thịt heo của Trung Quốc đã giảm 452.000 tấn. Công ty này cho rằng kho dự trữ của Trung Quốc gần như đã cạn kiệt sau khi xả lượng hàng lớn ra thị trường.
Thời gian sau đó, người dân tích cực tái đàn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt và dịch COVID-19 tiếp tục đẩy ngành chăn nuôi heo vào khủng hoảng nhưng lần này là dư cung và Trung Quốc tiếp tục tìm đến kho dự trữ.
Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã hoàn tất việc mua dự trữ 30.000 tấn heo trong bối cảnh giá heo hơi nước này giảm tới 50% so với đầu năm do đại dịch COVID-19 khiến hàng loạt nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa kéo theo nhu cầu tiêu thụ giảm thấp.
Trước đó, hồi tháng 7, Bắc Kinh cũng mua khoảng 50.000 tấn khi giá heo hơi rơi tự do xuống dưới mức giá thành sản xuất.
Tờ Reuters trích lời ông Ma Youxiang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết "Trong vài tháng qua, giá thịt heo giảm rất nhanh, chúng tôi hy vọng mọi người có thể tận dụng cơ hội này để ăn nhiều thịt heo và mua nhiều thịt heo hơn".
Theo New York Times, ý tưởng lập kho dự trữ thịt heo của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1970. Thời điểm đó, Trung Quốc đã có hàng loạt kho dự trữ từ muối, đường, ngũ cốc đến các loại thịt như bò, gà, cừu... Với những kho dự trữ này, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tránh được những trận biến động giá mạnh.
Tại sao Việt Nam chưa có kho dự trữ thịt heo?
Giải đáp câu hỏi này, tại một cuộc họp về cấp hàng dự trữ quốc gia hồi năm 2019 (thời điểm giá heo hơi liên tục lập đỉnh do dịch tả heo Châu Phi khiến nguồn cung giảm sút), ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mặt hàng này chưa được đưa vào danh mục hàng dự trữ.
Theo quy định, danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; vật tư thông dụng động viên công nghiệp; nhiên liệu.
"Trong nhóm hàng lương thực chưa có thịt heo, hiện nay mới chỉ có mặt hàng thiết yếu là gạo”, ông Lê Văn Thời cho hay.
Trên thực tế, việc không dự trữ khối lượng lớn thịt heo không phải điều đơn giản và sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều việc dự trữ gạo.
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Trọng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết ý tưởng dự trữ thịt heo là không khả thi bởi chi phí quá cao trong khi công suất các kho lạnh không đáp ứng được.
Để dự trữ thịt heo trong thời gian dài đòi hỏi một kho đông lạnh cực lớn. Điều này không chỉ tốn khoản tiền lớn trong việc xây dựng kho lạnh mà còn chi phí hoạt động (tiền điện, nhân công).
Theo Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu (JLL), xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ‘đi chợ’ trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở tất cả các nước trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).
Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hiện nay, có 3 nguồn cung kho lạnh chủ yếu. Đầu tiên là doanh nghiệp chế biến tự đầu tư; thứ hai là doanh nghiệp đầu tư chuyên về kho lạnh để cho thuê và cuối cùng là kho ở các hợp tác xã.
Trong đó, loại hình doanh nghiệp chế biến tự đầu tư kho lạnh tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp thủy sản bởi nhu cầu trữ hàng đông lạnh lúc nào cũng có.
Ngoài ra, chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 năm đến 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn.
Theo số liệu của JLL, nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn, trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Kho lạnh thương mại đầu tiên được xây dựng năm 1996 bởi Konoike Vinatrans, một liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Tới năm 1998, Swire Cold Storge của Úc xây dựng một trong những kho lạnh hiện đại nhất thời bấy giờ. Năm 2007, Công ty Cổ phần Hùng Vương xây dựng hai kho lạnh với tổng sức chứa là 40.000 tấn hàng. Những doanh nghiệp khác có thể kể đến LOTTE Sea (2009) và Preferred Freezer Services (2010).
Ngoài vấn ra, khẩu vị người Việt vốn quen ăn thịt “tươi” hơn đông lạnh cũng là trở ngại và cũng là rủi ro lớn đối với việc thu mua tích trữ thịt heo khi giá lao dốc.
“Vấn đề nan giải là thịt heo dùng cho nhu cầu hằng ngày, người tiêu dùng vẫn quen dùng tươi sống, chưa quen dùng đông lạnh nên đầu ra cho thịt sau cấp đông vẫn giới hạn", ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Vissan cho biết.
Kho dự trữ không phải cây đũa thần có thể điều tiết thị trường
Tác dụng của kho dự trữ của Trung Quốc đối với việc điều tiết thị trường thịt heo đến đâu vẫn đang là câu hỏi lớn bởi quy mô các lần mua dự trữ so với tổng lượng cung của thị trường còn quá nhỏ.
Công suất kho dự trữ heo của Trung Quốc là bao nhiêu hiện vẫn đang là ẩn số lớn. Trong một báo cáo hồi năm 2019, Công ty tư vấn Enodo Economics (Anh) cho biết sau khi "xả" hơn 420.000 tấn thịt heo ra ngoài thị trường thì lượng hàng tồn còn khoảng 100.000 tấn.
Con số này quá nhỏ so với tổng nguồn cung của Trung Quốc - quốc gia chiếm tới 50% sản lượng heo toàn cầu.
Tính đến tháng 9/2021, tổng đàn heo của nước này đạt 439 triệu con, tăng từ 370 triệu con vào năm 2020. Nếu nhân trung bình trong lượng 100 kg/con thì quy đổi thịt hơi gần 44 triệu tấn.
Trong khi đó, hai lần thu mua gần đây nhất của chính phủ Trung Quốc khoảng 80.000 tấn, quá nhỏ để có thể tác động lên giá.
Trên thực tế, kể từ khi Trung Quốc mua heo dự trữ từ tháng 7 đến nay, đà giảm giá heo hơi của nước này vẫn chưa thể chặn đứng.
Tính từ 1/7 đến 13/10, giá heo hơi Trung Quốc giảm tới 28% xuống còn hơn 11 nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng 38.000 đồng/kg).
Do đó, dường như kho dự trữ không phải "cây đũa thần" giúp điều tiết giá heo hơi như nhiều người vẫn thường mong. Điều duy nhất có thể tác động lên giá lúc này vẫn là cung - cầu của thị trường.
Khi dịch COVID-19 ổn định trở lại các bếp ăn tập thể, nhà hàng,..hoạt động 100% công suất, đầu ra của thịt heo sẽ được giải quyết và giá heo hơi sẽ được kéo lên.