|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khi ‘tín dụng đen’ núp bóng doanh nghiệp

08:11 | 15/05/2022
Chia sẻ
Hiện nay, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ‘‘tín dụng đen’’ trên địa bàn tỉnh Cà Mau có dấu hiệu phức tạp, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

 Tang vật liên quan đến vụ án "tín dụng đen". (Ảnh: TTXVN).

‘‘Tín dụng đen’’ diễn ra lén lút, núp bóng doanh nghiệp

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng phát hiện 9 tổ chức gồm 8 công ty, 3 cơ sở kinh doanh tài chính và 3 cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động liên quan đến hoạt động ‘‘tín dụng đen’’.

Tuy nhiên, Công an tỉnh đã thanh loại 7 tổ chức (4 công ty và 3 cơ sở cầm đồ) với 53 đối tượng do bỏ đi khỏi địa phương, không còn hoạt động. Hiện, cơ quan chức năng theo dõi, quản lý 2 cơ sở kinh doanh tài chính và 64 đối tượng hoạt động cho vay lãi suất cao, trong đó 19 đối tượng có tiền án, tiền sự.

Ba năm gần đây, Công an tỉnh đã tiếp nhận, khởi tố, điều tra 5 vụ với 5 bị can cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động ‘‘tín dụng đen’’.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 18 vụ với 39 đối tượng và 13 cơ sở vi phạm với số tiền trên 150 triệu đồng; đồng thời ra quân tháo gỡ, thu gom hơn 60 nghìn tờ rơi quảng cáo có nội dung cho vay không thế chấp.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, dù lãi suất cho vay rất cao từ 145% đến 450%/năm, song do tính tiện lợi, nhanh chóng, nhận tiền ngay nên khi cần gấp để giải quyết công ăn, việc làm đã khiến nhiều người kinh doanh, mua bán nhỏ, người lao động và đối tượng cờ bạc rơi vào bẫy nợ ‘tín dụng đen’’.

Nhiều trường hợp sau thời gian vay tiền không có khả năng trả nợ và bị các đối tượng cho vay xúc phạm, đe dọa, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản nên phải cầu cứu cơ quan Công an, thậm chí bỏ trốn khỏi địa phương.

Cơ quan Công an cho hay, tham gia hoạt động ‘‘tín dụng đen’’ không chỉ có những đối tượng tiền án, tiền sự mà còn một số đối tượng từ địa phương khác đến Cà Mau thuê mặt bằng để mở dịch vụ cầm đồ, công ty tài chính hoặc thuê phòng trọ để hoạt động ‘‘tín dụng đen’’.

Hoạt động này diễn ra lén lút cả người cho vay và người vay không muốn cho ai biết về hoạt động vi phạm pháp luật nên giấu kín, còn các giấy tờ có liên quan thì được họp thức hóa đơn giản bằng các giấy mượn nợ không lãi suất, hùn vốn, tham gia hụi...

Đối tượng hoạt động ‘‘tín dụng đen’’ lợi dụng mạng viễn thông, Internet hoặc cho dán tờ rơi tại cơ quan, trường học và ở những nơi đông người qua lại với mục đích quảng bá hoạt động và thu hút khách hàng; đồng thời núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ nhằm tạo vỏ bọc để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Hình thức cho vay chủ yếu là lập hợp đồng mua bán hàng trả góp, cho thuê xe hoặc lập hợp đồng cho vay nhưng không ghi lãi suất, làm giả hợp đồng của một số ngân hàng, công ty tài chính để cho vay, mua nợ xấu của các công ty tài chính, sau đó tiến hành đòi nợ.

Trong khi đó, hoạt động đòi nợ có nhiều biến tướng gây bất an cho xã hội. Ngoài thủ đoạn đổ chất bản, chất thải, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực đối với người vay tiền và nhân thân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook để đăng tải thông tin không có lợi cho người vay mà nhiều thông tin thường xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.

Vì vậy, công tác điều tra đấu tranh, ngăn ngừa loại tội phạm và vi phạm pháp luật về ‘‘tín dụng đen’’ ở Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn; phần lớn vụ việc chỉ phát hiện khi người vay không còn khả năng chi trả, thế chấp tài sản hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.

 Quảng cáo cho vay lãi suất thấp được dán chằng chịt trên tường bê tông, các khu dân cư. (Ảnh: TTXVN).

Kiên quyết đấu tranh hoạt động ‘‘tín dụng đen’’

Nhận định trong thời gian tới, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ‘‘tín dụng đen’’ trên địa bàn tỉnh Cà Mau có dấu hiệu phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Do vậy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 81/KH-UBND, ngày 28/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ‘‘tín dụng đen’’.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động ‘‘tín dụng đen’’, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đồng thời tập trung điều tra khám phá nhanh vụ án, giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động ‘‘tín dụng đen’’ theo hướng không để xảy ra phức tạp, gây mất an ninh trật tự.

UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành liên quan chủ động thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động ‘‘tín dụng đen’’.

Công an tỉnh phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân chọn án điểm để đưa ra xét xử công khai nhằm cảnh giác đến các tổ chức, cá nhân và nhân dân để răn đe, phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ‘‘tín dụng đen’’.

Các sở, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; đẩy mạnh thong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt là thông báo công khai phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ‘‘tín dụng đen’’ để mọi người nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.

Kim Hà