Khi nông sản vượt rào cản kĩ thuật
Dưa hấu là một trong những mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Hiện nay, hàng rào kỹ thuật lớn nhất đối với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Điển hình như Trung Quốc - thị trường lớn, truyền thống và lâu nay được coi như dễ tính của nông sản Việt giờ cũng đã có những thay đổi lớn trong việc nhập khẩu.
Những quy định về truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu…, thậm chí là các bước mở cửa cho từng sản phẩm nay không chỉ còn là các yêu cầu từ các thị trường lớn như: Mỹ, Australia, Nhật Bản…
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng rào được các quốc gia nhập khẩu ngày càng nâng cao.
Chẳng hạn với kiểm dịch thực vật, các nước hầu như đòi hỏi nước xuất khẩu phải cung cấp bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, vùng trồng...
Trong khi đó, để có đủ thời gian phân tích nguy cơ dịch hại làm cơ sở mở cửa thị trường cho một loại sản phẩm thường rất lâu.
Sản phẩm tươi sống, đặc biệt là rau quả luôn là sản phẩm đòi hỏi những yêu cầu khắt khe nhất từ thị trường. Để đưa được quả chanh leo tươi đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc..., ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nafoods Group (Nafoods) cho biết, doanh nghiệp phải chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh.
Nafoods Group đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương như: Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Gia Lai… và tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu.
Với vùng sản xuất nguyên liệu được quy hoạch, Nafoods sẽ cùng địa phương triển khai chuỗi giá trị sản xuất; trong đó cung cấp đầu vào (giống, vật tư, quy trình canh tác…) để đảm bảo nguồn nguyên liệu được kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm và số lượng theo thời gian thu hoạch, giúp sản xuất trong cả năm ổn định.
Phương thức trên không chỉ đem lại lợi ích cho Nafoods trong chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên thị trường mà còn giúp địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất có hiệu quả, nông dân chủ động sản xuất và yên tâm với đầu ra cho nông sản, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Một trong những nhóm mặt hàng chịu khá nhiều hàng rào thương mại và kỹ thuật ngày càng phức tạp là thủy sản.
Các vụ kiện chống bán phá giá cá tra, tôm đã diễn ra 15 năm qua, tuy nhiên mỗi năm lại thêm một diễn biến khác khiến doanh nghiệp bị động và chịu nhiều bất lợi.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, để hạn chế phần nào những khó khăn đó, thời gian qua, VASEP đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong các giai đoạn xem xét hành chính để cố gắng có kết quả khả quan nhất hay hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Với những rào cản kỹ thuật, VASEP liên tục cập nhật những quy định, cảnh báo của thị trường xuất khẩu về các hóa chất kháng sinh cấm như: oxytetracycline, ethoxyquin…; thông báo kịp thời đến doanh nghiệp để tăng cường biện pháp kiểm soát ngay tại nhà máy và vùng nuôi.
Không chỉ là những rào cản về an toàn thực phẩm như: chất cấm, kháng sinh… mà các thị trường nhập khẩu còn đòi hỏi trong quá trình sản xuất phải gắn các yêu cầu về tính xã hội, nhân văn, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...
Điển hình như việc Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam.
EU cũng là thị trường nổi bật với những quy định về dư lượng hóa chất (MRLs) rất thấp đối với nông, thủy sản nhập khẩu.
Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có vùng nguyên liệu hoặc vùng nguyên liệu không đáp ứng sản lượng, phải thu gom tại các nông hộ hoặc các thương lái thu gom sẽ khiến việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định cũng như truy xuất nguồn gốc để xử lý và giảm thiểu nguy cơ dư lượng thuốc trong sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp Việt Nam chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, châu Âu và Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Để giữ được các thị trường khó tính, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra phải tạo uy tín cao cho sản phẩm của mình; tuân thủ các quy định về an toàn môi trường sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người lao động trong doanh nghiệp; đầu tư công nghệ chế biến sâu để đa dạng sản phẩm chế biến...
Bên cạnh đó, ngành chế biến, xuất khẩu cá tra cũng cần có quy hoạch diện tích sản xuất, số hóa thông tin dữ liệu toàn ngành để quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, chất lượng cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) bày tỏ, trước áp lực thu mua nguyên liệu hải sản có truy xuất nguồn gốc, đầu tư sản xuất và chế biến với giá cao làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm tại các thị trường khó tính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giải quyết nhanh vấn đề chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản, tạo ra một chợ đấu giá để nguồn nguyên liệu được chứng nhận truy xuất nguồn gốc trước khi thu mua.
Có như như vậy, doanh nghiệp mới hoàn thành đầy đủ thủ tục, hồ sơ cung cấp cho cho nhà nhập khẩu khó tính. Đồng thời, khi giải quyết được khâu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi tiến ra thị trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trước tiên là phải có diện tích đất canh tác đủ lớn.
Thực hiện vấn đề này, những năm qua các địa phương trong cả nước đã triển khai dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp. Cơ chế, chính sách này đã giúp các địa phương khắc phục được phần nào trong sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn khuyến cáo các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu liên kết chặt chẽ với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sạch; kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu.
Triển khai chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp hướng dẫn địa phương tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là hình thành vùng nguyên liệu để xuất khẩu; phối hợp với địa phương kiểm tra, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định, nguyên tắc sử dụng.
Để có thể “né” những quy định khắt khe trong kiểm dịch thì việc phát triển các sản phẩm chế biến là một trong những hướng đi cần thiết.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời gian qua nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để nâng cao giá trị nông sản bằng các sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu nhằm giải quyết rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sản phẩm thô.
Ngoài ra, muốn tạo ra sự phát triển thì phải liên kết chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu, tập trung chế biến, tổ chức thương mại, tạo thành thể hoàn chỉnh đối với các cấp độ.
Cùng với đó, hình thành pháp nhân mới như doanh nghiệp, hợp tác xã để chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất có trách nhiệm.
Dù sản xuất ra các sản phẩm nào cũng phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn; gắn chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu, chế biến, tổ chức thị trường thì mới đưa nền nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển.