|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao bị cho... đóng cửa

10:32 | 09/06/2017
Chia sẻ
Một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Bình Phước bị đóng cửa 3 tháng chỉ vì tự ý thay đổi dây truyền xử lý chất thải hiện đại hơn..., ĐB tỉnh Bình Phước trình bày thực trạng ứng dụng công nghệ cao hiện nay của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn bởi thanh tra, kiểm tra.

Sáng nay (9/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Liên quan đến giải pháp thu hút cộng động doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho biết, doanh nghiệp vẫn còn bị phiền hà, sách nhiễu, tắc trách vì phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra.

Đại biểu dẫn chứng về một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Bình Phước bị đóng cửa 3 tháng chỉ vì tự ý thay đổi dây truyền xử lý chất thải hiện đại hơn...

"Cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường". Theo đó, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để trách tình trạng cán bộ cơ sở sách nhiễu doanh nghiệp. Đồng thời có giải pháp căn cơ để tránh tình trạng "giải cứu" nông sản.

Trước việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ĐB đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, xác định tiêu chuẩn công nghệ phù hợp, kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả dự báo thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư…

Đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cũng đề xuất một số giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế bền vững nền nông nghiệp như đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, quy hoạch, phát triển nông sản thế mạnh, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, cả nước giải cứu nông sản;...

Trong đó, ĐB Đoàn Văn Việt bày tỏ quan điểm trước việc ưu tiên các giải pháp cho nông nghiệp công nghệ cao và tích tụ đất đai của nông dân.

ĐB nhấn mạnh giải pháp xây dựng chuỗi sản phẩm có giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, phát triển công nghệ chế biến các loại nông sản; tập trung tích tụ đất đai, liên kết nông dân, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp...

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 cho hay, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hội nghị về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Mặt khác, tổ chức các hội nghị về lúa gạo và phát triển ngành tôm; chỉ đạo hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong đó nhiều cơ quan, tổ chức, người dân đã tích cực chia sẻ, chung tay hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu, hành tím, thịt lợn…

Kết quả, khu vực nông nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ, quý I tăng 2,03% (cùng kỳ giảm 1,31%); kim ngạch xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt 10,76 tỷ USD, tăng 9,1%. Xuất khẩu gạo, thủy sản có xu hướng tốt, giá ổn định ở mức khá, có lợi cho người sản xuất…

Ánh Dương