Khẩu vị tỷ giá của nhà điều hành
Lãi suất là cái neo vững chắc để “cầm chân” tỷ giá. Ảnh: Kinh Luân. |
Phản ánh từ một số ngân hàng cho biết nhu cầu ngoại tệ của khách hàng tổ chức tăng lên tương đối so với hai, ba tháng trước đó. Có ngân hàng trạng thái ngoại hối đã về 0% (theo qui định trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng tối đa là 20% vốn tự có).
Cùng ngày, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thống đốc Lê Minh Hưng tuyên bố trong cuộc họp của Chính phủ với các địa phương, cơ quan quản lý sẵn sàng can thiệp, bán ra ngoại tệ để ổn định thị trường. Ông cũng nhấn mạnh từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào 11 tỉ đô la Mỹ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN nhận xét tỷ giá đã tăng 1,2% so với đầu năm. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá “chạy” là do lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng đã chạm mốc 2%, cao hơn hẳn lãi suất tiền đồng cùng kỳ hạn. Mấu chốt vấn đề có lẽ nằm ở đây.
Hãy cùng hình dung những quân cờ đang tác động đến bàn cờ tỷ giá.
Nhu cầu vay ngoại tệ của các chủ thể như doanh nghiệp trên thị trường hiện nay không hề nhỏ vì lãi suất vay đô la Mỹ vẫn thấp hơn tiền đồng. Mặc dù NHNN đang điều hành theo hướng giảm dần vay ngoại tệ và gói gọn đối tượng vay ngoại tệ vào những doanh nghiệp có nguồn thu đô la Mỹ từ xuất khẩu hoặc dịch vụ, nhưng chưa thể chấm dứt việc cho vay ngoại tệ và chuyển hẳn qua mua đứt bán đoạn ngoại tệ ngay lập tức. Trong khi đó, số dư và tỷ trọng huy động vốn bằng ngoại tệ của ngân hàng vừa qua có xu hướng giảm do lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0%/năm.
Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất dẫn đến sự tăng giá của đồng đô la so với các ngoại tệ khác, lãi suất cho vay ngoại tệ của các ngân hàng Việt Nam được nâng lên. Liên ngân hàng là một cái chợ của các tổ chức tín dụng và khi nền lãi suất cho vay ngoại tệ được đẩy lên, chào mua chào bán lãi suất đô la Mỹ trên chợ này thay đổi.
NHNN nắm rất rõ sự biến động của lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng, song nhà điều hành chịu sức ép của hai yếu tố. Thứ nhất là giảm lãi suất đầu ra tiền đồng (cho năm lĩnh vực ưu tiên) để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng GDP. Thứ hai nguồn cung ngoại tệ trong nửa đầu năm quá dồi dào, NHNN phải liên tục bơm tiền đồng ra mua ngoại tệ. Việc hút tiền đồng về để trung hòa buộc phải tính toán kỹ liều lượng cũng như thời điểm.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết “nếu cần thiết sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết để bình ổn thị trường”. Giá niêm yết bán ra của NHNN hiện đang cao nhất thị trường. |
Và yếu tố không ngờ tới nhất đó là cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc. Canada đã đáp trả Mỹ bằng việc đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 12,5 tỉ đô la Mỹ có hiệu lực từ ngày 1-7-2018. Liên hiệp châu Âu cảnh báo sẽ áp thuế lên 300 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào “lục địa già” một khi Tổng thống Donald Trump nhắm tới việc đánh thuế xe hơi châu Âu. Trung Quốc không nói nhiều, nhưng đồng nhân dân tệ nước này, không rõ vô tình hay cố ý, liên tục mất giá từng ngày so với đô la Mỹ. Đô la lên giá, hàng xuất khẩu của Mỹ đang và sẽ đắt đỏ, thâm hụt mậu dịch hàng trăm tỉ đô la với Trung Quốc và châu Âu sẽ khó mà giảm. Đến nước ấy, cuộc chiến hạ giá đồng tiền hay chiến tranh tiền tệ sẽ bắt đầu!
Diễn biến tài chính bên ngoài tác động không nhỏ tới thị trường tiền tệ Việt Nam. Lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để chống đầu cơ, nhà điều hành cần giải pháp nâng lãi suất tiền đồng liên ngân hàng, ít nhất ở mức ngang bằng lãi suất đô la Mỹ. Mặt khác, để ổn định giá trị đồng nội tệ, khả năng nâng lãi suất huy động có thể phải tính đến. Về mặt kỹ thuật, NHNN hoàn toàn có thể áp trần lãi suất 5,5%/năm cho các khoản tiền gửi ngắn hạn từ ba tháng trở xuống thay vì sáu tháng như hiện nay. Lãi suất là cái neo vững chắc để “cầm chân” tỷ giá.
Lãi suất đầu ra cũng cần linh hoạt. Lãi suất cho vay chứng khoán, bất động sản nên được đưa lên tầm mới và chỉ nên hỗ trợ lãi suất cho lĩnh vực sản xuất, nhất là nông nghiệp và xuất khẩu. Các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Philippines đã nâng lãi suất đồng nội tệ từ đầu năm đến nay không chỉ một lần.
Thống đốc khẳng định “trong điều kiện hiện nay, chúng ta hoàn toàn có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, đảm bảo kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô”. Ông Phạm Thanh Hà cho biết “nếu cần thiết sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết để bình ổn thị trường”. NHNN đang nắm thế chủ động, điều đó không cần bàn. Chỉ có điều tỷ giá niêm yết của Sở Giao dịch NHNN hiện đang ở mức 22.700 đồng/đô la Mỹ mua vào và 23.294 đồng/đô la Mỹ bán ra (dưới giá trần 20 đồng/đô la). Giá niêm yết bán ra của NHNN đang cao nhất thị trường, cho nên các chủ thể sẽ phải nhìn trước ngó sau, cân nhắc bởi “tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết” của NHNN có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.