Khảo sát dự án đường nối cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1A và cảng Cà Ná
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam tại cuộc họp đề xuất phương án hướng tuyến đường nối cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1A và cảng Cà Ná do UBND tỉnh tổ chức sáng 22/4 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận, dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng Cà Ná được UBND tỉnh cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tại văn bản số 3476/UBND-KTTH ngày 19/10/2020; trong đó, UBND tỉnh cho phép nghiên cứu trước mắt phân đoạn kết nối từ đường dẫn cao tốc Bắc - Nam đến Quốc lộ 1 A làm cơ sở đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn bộ tuyến đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển tổng hợp Cà Ná có chiều dài khoảng 22,7 km. Điểm đầu tại nút giao với đường dẫn vào cao tốc Bắc - Nam với đường tỉnh 709, sau đó tuyến sẽ đi về phía Đông Nam khoảng 9,8 km để giao cắt với quốc lộ 1A tại Km 1578+900.
Đồng thời, tiếp tục đi về phía Đông Nam khoảng 4,7 km (đi vào ranh giữa hai dự án điện gió Hà Đô và BIM 3) để kết nối vào trục được D4 của khu công nghiệp Cà Ná và trục đường D7 của khu tổ hợp điện khí LNG, điểm cuối kết nối với cảng biển tổng hợp Cà Ná.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, phù hợp với quy hoạch các trục đường D4, quy mô mặt cắt ngang của đường được mở rộng 34 m và trục đường D7 có bề rộng 32 m. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 1.233 tỷ đồng; trong đó, phân kỳ đầu tư giai đoạn I, đầu tư trước 4 làn xe (trừ phần giữa trồng cây xanh dự phòng cho hướng mở rộng thành 6 làn xe) với kinh phí dự kiến khoảng 947 tỷ đồng, đầu tư hoàn thành trong 4 năm.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết, sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát chi tiết quy mô dự án, tránh đụng vào các dự năng lượng tái tạo đã và đang triển khai thi công.
Sở cũng phân vân việc thực hiện nút giao thông giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường 709, bởi nếu thực hiện theo đường cùng mức (giao cắt) thì sau này nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao. Nếu thực hiện xây dựng tuyến tránh như cầu vượt thì cần vốn đầu tư lớn; đồng thời không thể kết nối, phát huy được hiệu quả của tuyến quốc lộ 1A.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận Đạo Văn Rớt cho rằng, thực tế qua rà soát dự án này không "đụng" vào nhiều dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tại dự án điện gió BIM và dự án điện gió Hà Đô, nơi dự án đường đi qua có một số vị trí trụ điện gió không đảm bảo an toàn, cần sớm có phương án xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Thái, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, tuyến đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1A và cảng biển tổng hợp Cà Ná là dự án có quy mô thuộc nhóm B. Qua rà soát, dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và là điều khó đối với tỉnh hiện nay, nhất là nguồn vốn để đầu tư.
Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, khi tuyến đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1A và cảng biển tổng hợp Cà Ná được đầu tư xây dựng và hoàn thành sẽ tạo mối liên kết giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ đó, tạo động lực kết nối giao thương và mở hướng phát triển lớn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh sau này.
Với tầm quan trọng của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ngành cần kết hợp đồng bộ, khẩn trương khảo sát thực tế để đề xuất phương án hướng tuyến hợp lý, tránh chồng lấn với các dự án, công trình hiện hữu, phù hợp với xu hướng phát triển và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án. Quá trình đầu tư cần có sự phân kỳ hợp lý theo từng giai đoạn; đồng thời có phương án dự phòng cho xu hướng phát triển mở rộng để phát huy tối đa giá trị của công trình và tính kết nối phát triển.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho rằng, nếu dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP thì việc triển khai sẽ rất chậm, bởi nguồn kinh phí nhà nước đầu tư có hạn, trong khi tỉnh chưa có kinh nghiệm thực hiện. Còn nếu đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng khó, bởi trong giai đoạn này tỉnh chưa được cấp vốn, nguồn vốn hiện tại và vốn chuyển tiếp lại không đủ để thực hiện.
Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành cần làm rõ, chi tiết các thông số liên quan đến quy mô dự án để trình thẩm định, xin nguồn vốn đầu tư từ Trung ương. UBND tỉnh cũng lưu ý Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề xuất phương án tài chính, huy động các nguồn lực hợp pháp để sớm đầu tư dự án nhanh nhất có thể.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/