|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Khai tử' thương hiệu karaoke Arirang vì lỗi thời

12:30 | 18/08/2019
Chia sẻ
Nhìn nhận mảng kinh doanh kĩ thuật số đã lạc hậu, lãnh đạo Maseco quyết định thanh lí và chuyển nhượng toàn bộ việc sử dụng thương hiệu karaoke Arirang.

Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) - đơn vị sở hữu thương hiệu karaoke Arirang, vừa công bố muốn thanh lý toàn bộ hàng điện tử tồn kho, trong đó có cả thương hiệu Arirang nổi tiếng đình đám một thời.

'Khai tử' thương hiệu karaoke Arirang vì lỗi thời - Ảnh 1.

Từ cái tên đình đám trên thị trường, liên tiếp 2 năm gần đây, Arirang trở thành gánh nặng với kết quả hoạt động thua lỗ, cùng hàng trăm tỷ đồng hàng tồn kho khó thanh lý.

Cụ thể, công ty muốn chuyển nhượng toàn bộ hàng điện tử tồn kho theo hiện trạng với giá không thấp hơn 25 tỷ đồng, chưa gồm thuế giá trị gia tăng.

“Tháo chạy”

Bà Nguyễn Thiện Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận cho biết, công ty sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu Arirang và quyền bản ghi, quyền tác giả các bản ghi âm midi Karaoke cho bên mua, để tiếp tục quyền sản xuất và duy trì dịch vụ cho khách hàng.

Ngoài ra, đại diện công ty cũng khẳng định quyền lợi bảo hành, bảo trì những sản phẩm khách hàng đã mua vẫn được đảm bảo, bởi hãng sẽ chuyển giao trách nhiệm này cho bên mua.

Thương hiệu Arirang của Maseco gồm các sản phẩm như đầu karaoke kĩ thuật số, ampli, loa, TV… Trước khi xuất hiện công nghệ số, các sản phẩm của thương hiệu này rất nổi tiếng và quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Internet cùng nền tảng kĩ thuật số đã khiến thương hiệu giảm đi sức hút. Thấy được sự phát triển quá nhanh của thị trường, thương hiệu Arirang đã tích cực chuyển đổi về công nghệ nhưng vẫn không hiệu quả.

Báo cáo trước cổ đông tại đại hội đầu năm 2019, lãnh đạo Maseco cho biết ngành kinh doanh điện tử có doanh số tiêu thụ sụt giảm nhiều nhất trong năm qua. 

Công ty đã nỗ lực duy trì vị thế thương hiệu trên thị trường, chuyển đổi công nghệ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cùng các dịch vụ khuyến mãi, hậu mãi, nhưng doanh thu vẫn sụt giảm.

Kết thúc năm 2018, tổng doanh thu của Maseco đạt 928 tỷ đồng, lỗ 164 tỷ đồng, hàng tồn kho điện tử lên đến 175 tỷ đồng. 

Nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Maseco chỉ đạt 127 tỷ đồng, giảm đến 81% so với cùng kỳ 2018. Giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu, cụ thể giá vốn là 162 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của Maseco âm 34 tỷ đồng, gấp đôi mức lỗ nửa đầu năm 2018. 

Nửa đầu năm 2018, doanh thu của hãng này lên đến 683 tỷ đồng, nhưng mức lỗ trước thuế cũng 17 tỷ đồng.

Bài học về cách giữ thương hiệu

Giải thích nguyên nhân về khoản lỗ này, lãnh đạo Maseco cho biết chủ yếu do ngành hàng điện tử giảm sút sâu và chấm dứt hoạt động kinh doanh nông sản so với kì trước

"Tình trạng tồn kho hàng điện tử giá trị cao, hàng hóa đã lạc hậu, lỗi mốt, lạc hậu kĩ thuật, lỗi thời và chậm luận chuyển do không còn phù hợp nhu cầu thị trường", lãnh đạo Maseco thẳng thắn nhìn nhận.

ARIRANG

Kết quả kinh doanh của MSC 5 quý gần đây ghi nhận tình trạng ngày càng thua lỗ.

Có thể thấy thất bại của thương hiệu Karaoke Arirang nằm ở việc, hãng không đầu tư đúng về mặt Marketing cũng như các gói PR truyền thông một cách đúng mực. Điều đáng tiếc nhất là từ một thương hiệu danh giá trên thị trường điện tử, thì giờ đây hãng đã bị khai tử.

Sản phẩm của hãng ở mức khá tốt, nhưng bởi sự truyền thông quá mạnh từ những đối thủ cạnh tranh nên hãng bị “lu mờ” và chịu lỗ trong mấy năm trở về đây.

Sau nhiều năm liền đi xuống, cùng với vị thế không như xưa, công ty cho biết sẽ dừng mảng hàng điện tử, cùng với đó là thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp phân phối khu vực miền Bắc và miền Trung. Lĩnh vực này cũng dự kiến tiếp tục lỗ 50 tỷ đồng trước khi chính thức dừng hoạt động.

Đây có thể được coi là minh chứng cho việc chủ quan trong công tác làm thương hiệu, khi mà hãng đã quá ảo tưởng vào danh tiếng một thời điểm mà không định vị được mình ở đâu trong dài hạn. 

Chính vì thế, Arirang sẽ là một bài học cho các thương hiệu khác cần tập trung hơn vào công tác xây dựng sức khỏe thương hiệu bền vững với công chúng.

Nguyễn Việt