Hội nghị Trung ương 12: Trung ương xem xét nhân sự cho khóa mới
Sáng nay 11/5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị; điều hành phiên khai mạc là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 - 2026; số lượng, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đề án đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp một số nhiệm kì gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Từ đó, đề xuất phương hướng xử lí những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng qui định pháp luật.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử.
Chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng.
Bên cạnh đó là số lượng, cơ cấu, độ tuổi của ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử...