|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khách quốc tế không còn ồ ạt đổ đến Việt Nam

15:56 | 30/06/2019
Chia sẻ
Chuyện khách quốc tế ồ ạt đến Việt Nam, giúp tốc độ tăng trưởng lượng khách lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng đã trở thành quá khứ. Tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm nay thấp hơn nhiều so với trước. Đặc biệt, tháng 6-2019 có lượng khách đến ít nhất kể từ đầu năm, chỉ hơn 1,18 triệu lượt, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách quốc tế không còn ồ ạt đổ đến Việt Nam - Ảnh 1.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019. Số liệu: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Đào Loan

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam là Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6-2019. Trong tháng này, chỉ có khoảng 347.000 lượt khách đến, giảm 16% so với cùng kỳ.

Thị trường lớn nhất giảm mạnh, các thị trường nguồn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ... chỉ tăng nhẹ đã làm cho tổng lượng khách đến trong tháng chỉ đạt hơn 1,18 triệu lượt, ít nhất kể từ đầu năm nay và chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 6-2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đang tăng trưởng cao, lên đến 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Trung Quốc tăng 31,8% so với tháng 6-2017.

Đầu tháng 6-2019, trả lời chất vấn tại Quốc hội về việc tại sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng chậm lại, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, thị trường Trung Quốc giảm đã làm cho ngành du lịch giảm tốc. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến con số kỳ vọng cả năm nay là sẽ đón được 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,5 triệu lượt so với năm ngoái.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước đón gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.


Đào Loan

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.