|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khách hàng Trung Quốc đang rời bỏ thị trường bất động sản Mỹ

10:00 | 21/07/2019
Chia sẻ
Điều kiện thách thức trên thị trường nhà ở Mỹ, cùng chính sách kiểm soát tiền tệ chặt chẽ từ Chính phủ Trung Quốc, đã khiến nhu cầu nhà ở của người nước ngoài, đặc biệt là khách hàng Trung Quốc tại Mỹ sụt giảm đáng kể.
105154850-GettyImages-895498948

Ảnh: Getty Images

Theo thống kê của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR), trong giai đoạn 4/2018 - 3/2019, số tiền người nước ngoài đổ vào nhà đất Mỹ đã giảm 36% so với một năm trước đó.

Nguyên nhân của tình trạng này là do số lượng và giá trị hợp đồng mua nhà trung bình giảm. Các cá nhân nước ngoài đã mua 183.100 bất động sản với tổng giá trị khoảng 77,9 tỉ USD, giảm từ con số 266.800 bất động sản có giá trị 121 tỉ USD của giai đoạn trước đó.

CNBC đưa tin, khách hàng nước ngoài trả trung bình 280.600 USD cho mỗi bất động sản, cao hơn mức trung bình của tất cả người mua nhà hiện tại (259.600 USD), tuy nhiên con số này đã giảm từ mức 290.400 USD ghi nhận vào năm trước.

"Một tập hợp của nhiều yếu tố, gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu, chính sách kiểm soát vốn chặt chẽ ở Trung Quốc, đồng USD mạnh lên và số lượng nhà ở hiện có tại Mỹ thấp, đã khiến người nước ngoài ngừng mua nhà", ông Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của NAR, cho hay.

"Tuy nhiên, cường độ suy giảm lại khá lớn, cho thấy khách hàng đã giảm bớt niềm tin vào việc sở hữu bất động sản ở Mỹ", ông Yun nói thêm.

Người Trung Quốc hiện dẫn đầu danh sách mua bất động sản Mỹ trong năm thứ 7 liên tiếp, theo đó ước tính đã đầu tư khoảng 13,4 tỉ USD cho các loại bất động sản cư trú.

Tuy nhiên, khoản đầu tư trên cũng đã giảm 56% so với 12 tháng trước và là mức giảm phần trăm lớn nhất trong tất cả khách hàng nước ngoài đang đầu tư bất động sản tại Mỹ.

Người Trung Quốc rút lui khỏi thị trường nhà ở Mỹ một phần là vì tình hình chính trị hiện tại.

Các công ty môi giới bất động tại California đã chứng kiến một sự sụt giảm trong nhu cầu mua nhà của người Trung Quốc. Nam California từng là thị trường đặc biệt phổ biến đối với phụ huynh nước này, những người hi vọng sẽ gửi con cái của họ tới các trường đại học Mỹ.

Trong quí I/2019, số lượt tìm kiếm của khách hàng Trung Quốc trên trang web bất động sản Juwai.com đã giảm 27,5% so với một năm trước. Số lượt tìm kiếm đã giảm 4 trong 5 quí gần nhất.

"Chúng tôi gọi đó là hiệu ứng Trump. Đây là sự kết hợp của quan điểm chính trị chống Trung Quốc, kiểm soát quá trình xử lí thị thực và tất nhiên, thuế quan", ông Carrie Law, CEO kiêm giám đốc của Juwai.com, cho hay trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

"Hiệu ứng Trump đang làm suy yếu một vài trong nhóm động lực chính, vốn giúp thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản Mỹ của người Trung Quốc, bao gồm mua nhà cho sinh viên học tập tại Mỹ".

Theo sau khách hàng mua nhà người Trung Quốc là người Canada (8 tỉ USD), Ấn Độ (6,9 tỉ USD), Anh (3,8 tỉ USD) và Mexico (2,3 tỉ USD). Người Trung Quốc mua số lượng nhà ở tương đương khách hàng Canada, tuy nhiên nhóm khách hàng này thường mua những căn nhà đắt tiền hơn và do đó, bỏ xa người Canada về giá trị mua nhà.

Khách hàng mua nhà ngoại quốc bao gồm các cá nhân đang sống tại Mỹ và tại nước ngoài, tuy nhiên 60% là dân di cư và người nước ngoài sang Mỹ để làm việc, học tập hoặc vì các lí do khác.

Mặc dù các công ty môi giới bất động sản cho hay tình trạng giá nhà đang tăng vọt trong vài năm gần đây cũng như chỉ ra vấn đề thiếu hụt số lượng nhà ở hiện có, khách hàng nước ngoài từ lâu đã là những "tay chơi" sừng sỏ trong thị trường nhà ở mới xây - phân khúc nhà được rao bán với giá cao hơn.

Theo báo cáo của NAR, nhà đầu tư ngoại quốc tiếp tục đổ xô tới Florida. Cứ 5 khách hàng nước ngoài lại có một người mua bất động sản tại Florida.

"Nhiều khách hàng Canada và nước ngoài khác nhận thấy thị trường bất động sản Florida hấp dẫn vì qui định thuế dễ chịu của khu vực này", ông Yun cho biết.

"Ngoài ra, nhiều vùng đô thị của Florida sở hữu một số bất động sản với mức giá rẻ hơn, vì vậy, nói một cách tương đối, đây là sự kết hợp giúp Florida trở thành điểm đến phổ biến".

Yên Khê