|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khác biệt chiến lược của Apple tại Việt Nam và Indonesia

19:45 | 17/04/2024
Chia sẻ
Apple đẩy mạnh mảng phần mềm để đáp ứng yêu cầu tại Indonesia, trong khi liên tục mở rộng chuỗi cung ứng phần cứng tại Việt Nam.

Theo lịch trình trong chuyến đi châu Á, Tim Cook tới Việt Nam ngày 15-16/4 và Indonesia từ ngày 16/4. Ở cả hai nước, các hoạt động của CEO Apple đều thu hút sự quan tâm lớn vì phần nào cho thấy kế hoạch sắp tới của hãng tại đây.

Tại Indonesia, CEO Tim Cook nói công ty đang xem xét hoạt động sản xuất ở nước này. "Chúng tôi đã thảo luận về mong muốn của Tổng thống liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất và Apple sẽ chú ý đến điều đó", ông nói.

Trước đó, khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, CEO Apple cũng đề xuất thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao, trong đó cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam.

CEO Apple Tim Cook tại Hà Nội ngày 15/4. (Ảnh: Tuấn Hưng).

Động thái của Apple diễn ra trong bối cảnh công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng ra khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là thị trường tiềm năng trong việc tiêu thụ sản phẩm Apple.

Dan Ives, CEO công ty nghiên cứu thị trường Wedbush Securities, đánh giá chuỗi cung ứng là trọng tâm trong chuyến đi này của Tim Cook. "Việt Nam và Indonesia là những điểm hạ cánh mềm cho sản xuất iPhone", Ives nhận định.

Tại Indonesia, Cook không chia sẻ cụ thể sẽ thúc đẩy sản xuất thế nào. Apple vốn không có nhà máy sản xuất trực tiếp, thay vào đó họ tạo ra sản phẩm thông qua chuỗi cung ứng trên khắp thế giới.

Xét về số lượng cơ sở sản xuất, theo thống kê của Apple năm 2022, hãng chỉ có hai nhà cung ứng ở Indonesia là Panasonic và Yageo Corporation. Trong khi đó tại Việt Nam, số nhà cung ứng là 25, tăng từ mức 16 vào năm 2016 và xếp thứ 7 trong danh sách. Các đối tác phụ trách lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm như Foxconn, Luxshare, Goertek, BYD đều có nhà máy tại Việt Nam, lắp ráp sản phẩm như tai nghe, loa, đồng hồ.

Trong khi đó, tại Indonesia, Apple đẩy mạnh hơn vào việc mở học viện đào tạo phần mềm. Học viện thứ tư dành cho nhà phát triển vừa được Apple khai trương tại Bali. Theo Nikkei, động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu của Indonesia trong tỷ lệ nội địa hóa. Từ 2022, chính phủ nước này nâng tỷ lệ linh kiện địa phương mà một công ty phải sử dụng trong smartphone lên 35%, thay vì mức 20% vào năm 2016.

Tuy nhiên, thay vì mở rộng phần cứng, Apple đẩy mạnh phát triển phần mềm nhằm đáp ứng yêu cầu.

Về chiến lược đầu tư, Apple cho biết đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ hơn một thập kỷ trước và đang hỗ trợ hơn 200.000 việc làm qua chuỗi cung ứng và nền kinh tế ứng dụng iOS. Tổng đầu tư từ năm 2019 đến nay đạt 400 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD), thông qua chuỗi cung ứng.

Còn tại Indonesia, Nikkei dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết Apple đã đầu tư tổng cộng 1,6 nghìn tỷ rupiah (98 triệu USD) vào bốn tổ chức tại đây.

Nhiều năm qua, Indonesia nỗ lực thu hút sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ cố gắng tận dụng nguồn nickel và các khoáng sản khác để thúc đẩy sản xuất, bằng cách cấm xuất khẩu các nguyên liệu như nickel và bauxite để yêu cầu các công ty phải xây dựng nhà máy luyện kim trong nước.

Việc Apple hứa hẹn tăng hoạt động sản xuất tại Indonesia khiến nhiều người liên tưởng đến Nvidia. Đầu tháng 4, hãng chip này cũng công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm AI trị giá 200 triệu USD tại đây.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, với cả Nvidia và Apple, "đầu tư vào Indonesia không có nghĩa không đầu tư vào Việt Nam", bởi cả hai hiện đều là những điểm đến hấp dẫn tại Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam vốn đã là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của Apple những năm qua.

Lưu Quý

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.