Kết quả kiểm toán 2018: Kiến nghị xử lý tài chính gần 92,5 nghìn tỉ đồng
Họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017 diễn ra chiều ngày 5/7. (Ảnh: Thu Hà)
Năm 2018 kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỉ đồng
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa tổ chức Họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017.
Theo đó, trình bày báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018, ông Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng KTNN cho biết, năm 2018 KTNN thực hiện kiểm toán đối với 212 đơn vị.
Tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỉ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỉ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỉ đồng.
Đặc biệt, đã chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ,…
Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2017, quyết toán thu NSNN là 1.293.627 tỉ đồng, tăng 6,7% so với dự toán; bằng 116,8% thực hiện năm 2016, đạt mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây (năm 2016 tăng 10,9%; năm 2015 tăng 15,1%).
Kết quả tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất là 61.713 tỉ đồng; lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 15.201 tỉ đồng. Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và XSKT, thu nội địa chỉ đạt 885.881 tỉ đồng, bằng 98,15% dự toán.
Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 3.171 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.635 tỉ đồng tại 2.921 doanh nghiệp.
Nợ thuế do ngành thuế quản lý đến hết tháng 12/2017 là 82.659 tỉ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ của năm 2016 và bằng 8,5% số thực thu NSNN năm 2017, không đạt mức phấn đấu (5%) theo Chỉ thị của Thủ tướng.
Về vấn đề chi NSNN, ông Trần Xuân Hòa cho biết, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án,… đặc biệt là việc chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư.
Công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn nhiều sai sót. Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỉ đồng.
Ngoài ra, báo cáo KTNN cho biết, dư nợ công đến hết tháng 12/2017 là 3.073.294 tỉ đồng, bằng 61,37% GDP (trong giới hạn cho phép của Quốc hội). Trong đó nợ Chính phủ 2.587.372 tỉ đồng, bằng 51,67% GDP; nợ chính quyền địa phương gần 30.000 tỉ đồng, bằng 0,6% GDP.
Vẫn còn nhiều sai phạm tại các dự án BT, BOT
Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Thu Hà)
Kết quả kiểm toán chuyên đề của KTNN, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Kiểm toán Nhà nước Trần Khánh Hòa cho biết, hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến.
Nhiều dự án điều chỉnh quy mô trái thẩm quyền, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu; điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia không đúng thẩm quyền, chưa đảm bảo quy định. Kết quả kiểm toán 09 chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỉ đồng.
Đáng chú ý, kết quả kiểm toán 08 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ không đúng; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai...
KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 07/08 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án).
Kết quả kiểm toán 07 dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai.
Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, NSNN.
Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.
Hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện.
"Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng tại 30 dự án)", ông Hòa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cũng cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị.
Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng đất có hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng như: Điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất.
Điển hình, hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát NSNN...