|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kế hoạch thăm dò khí đốt trên đất nông nghiệp của Australia bị phản đối

07:00 | 14/06/2017
Chia sẻ
Tuy sở hữu trữ lượng lớn khí đốt nhưng Australia chưa thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành nhà cung cấp chủ chốt cho nhiều khách hàng ở châu Á. Thậm chí, các bang đông dân phía đông nước này còn đứng trước nguy cơ thiếu khí đốt để vận hành các nhà máy điện trong năm tới.
ke hoach tham do khi dot tren dat nong nghiep cua australia bi phan doi
Kế hoạch thăm dò khí đốt trên đất nông nghiệp của Australia bị phản đối. Ảnh minh họa: Bloomberg

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng đó là do hoạt động thăm dò khí đốt, cụ thể là khí than, trên các khu vực đất nông nghiệp bị người dân phản đối kịch liệt, theo Bloomberg. Sự phản đối của người dân khiến các công ty dầu khí không thể triển khai các hoạt động theo kế hoạch.

Khí than là khí đốt tự nhiên được tạo thành trong quá trình hoạt động của vi sinh biến đổi than bùn thành than đá dưới tác động của nhiệt và áp suất. Một phần lượng khí này thoát vào không khí, phần còn lại tích tụ trong các lỗ rỗng của than, đất đá ở xung quanh vỉa than và hấp thụ trong than trong lòng đất.

Peter Gett, một nông dân ở thị trấn hẻo lánh Narrabri cách Sydney 520 km về phía tây bắc thuộc bang New South Wales, cho biết ba giếng khoan của công ty dầu khí Santos Ltd trên trang trại của ông đã bị trì hoãn trong một thời gian dài do bị phản đối. Đa số dân ở vựa bông này đều phản đối hoạt động thăm dò khai thác khí đốt trong khu vực vì lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm.

Những biểu ngữ phản đối đã được gắn lên hàng rào trang trại của Peter. Năm ngoái, 45 người đã bị bắt khi cố cản trở hoạt động của máy khoan. Hoạt động phản đối lan rộng đến mức một số nông dân, vốn ủng hộ hoạt động khoan, đã chọn cách im lặng để tránh phiền phức.

Hoạt động thăm dò khí đốt không chỉ gây chia rẽ tại thị trấn có 13.000 dân này mà còn tạo ra chất xúc tác cho các tranh luận ở tầm liên bang.

Kết cục là, kế hoạch khoan 850 giếng của Santos ở các trang trại và rừng núi quanh trang trại của Peter đã bị trì hoãn ít nhất 2 năm. Hiện chỉ có 16 giếng khoan có thể duy trì hoạt động tại Narrabri.

Theo Santos, nếu được khai thác thì chỉ riêng lượng khí đốt ở Narrabri và khu vực lân cận có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu khí đốt cho cả bang New South Wales. Công ty này cũng cam kết sẽ dành toàn bộ sản lượng khai thác được để phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Để trấn an dân chúng, Santos lập luận rằng do khí đốt được phân bố tự nhiên ở các tầng địa chất bên dưới lòng đất Narrabri nên họ không cần bơm nước, cát hay hóa chất xuống để phục vụ quá trình khai thác. Công ty cũng cam kết sẽ sử dụng thép và xi măng ở các giếng khoan để ngăn ô nhiễm cho các tầng chứa nước.

Tuy nhiên, nông dân và các nhà hoạt động môi trường ở Narrabri vẫn cho rằng việc khoan để thu khí đốt từ các tầng chứa khí trong lòng đất sẽ khiến cấu trúc địa chất bị biến đổi, dẫn đến cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Chính quyền bang tuần trước cho biết đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của các cộng đồng, các nhà hoạt động môi trường, các nhóm sắc tộc thiểu số và nông dân trồng bông đối với một báo cáo đánh giá tác động môi trường dài 7.000 trang. Phần lớn trong số 23.000 ý kiến đóng góp phản đối dự án thăm dò khai thác khí đốt trong khu vực.

Bên cạnh đó, nông dân Narrabri đã học được bài học nhãn tiền từ một dự án tương tự tại thị trấn Roma thuộc bang Queensland, nơi phát hiện mỏ khí đốt đầu tiên của Australia năm 1900. Trong nhiều năm qua, cư dân thị trấn này đã phải nếm trải tác động của các vụ rò rỉ khí cũng như ô nhiễm nguồn nước. Đáng chú ý, Santos chính là nhà điều hành của một trong số ba dự án khí thiên nhiên hóa lỏng tại bang Queensland.

Tanya Charlton, một người dân Narrabri khác, cho biết cô rất lo ngại về tác động đối với sức khỏe con người nếu dự án được tiếp tục thực hiện. “Tôi biết những gì đã xảy ra ở Queensland và cả ở Mỹ. Tôi rất lo rằng điều đó sẽ diễn ra ở đây,” Tanya nói.

Bruce Clement, người phụ trách dự án của Santos ở Narrabri, cho biết hoạt động thăm dò khai thác khí đốt luôn được chính phủ giám sát chặt chẽ để đảm bảo không gây hại cho môi trường. Ông cũng cho biết khí than sẽ được khai thác ở các tầng nằm sâu bên dưới tầng chứa nước lớn nhất.

Khánh Đăng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.