Kế hoạch đấu thầu phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo năm 2020 của Hàn Quốc thay đổi vì COVID-19
Theo thông báo của Tổng công ty Thương mại Nông Thủy sản và Lương thực Hàn Quốc (aT), dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2020, aT sẽ tổ chức đấu thầu 3 lần vào tháng 1, tháng 3 và tháng 5 cho 50% tổng hạn ngạch dành cho 5 nước xuất khẩu gạo gồm Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, Thái Lan và Australia, tương đương 388.700 tấn.
Căn cứ theo tình hình thực tế, aT sẽ điều chỉnh các đợt đấu thầu tiếp theo vào 6 tháng cuối năm, dự kiến thêm 2 đến 3 đợt đấu thầu.
Kế hoạch mở thầu cho khối lượng hạn ngạch của Việt Nam là trong nửa đầu năm 2020, Hàn Quốc dự kiến nhập khoảng 50% trong tổng lượng hạn ngạch gạo dành cho 5 nước thành viên WTO.
Các đợt đấu thầu sẽ diễn ra vào tháng 1, 3 và 5. Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch COVID-19 nên kế hoạch này có thể sẽ phải thay đổi. Thực tế các lô hàng mời thầu từ Trung Quốc đã bị bảo lưu và chưa rõ khi nào có thể mở lại.
Đối với Việt Nam, Phòng Chính sách về Ngũ cốc (aT) đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt đấu thầu tháng 5. Lượng nhập khẩu dự kiến sẽ là 50% của tổng lượng hạn ngạch là 55.112 tấn dành cho Việt Nam năm 2020.
Ngoài ra, về thông tin aT thông báo lựa chọn công ty kiểm nghiệm thực hiện qui trình kiểm tra gạo nhập khẩu sẽ được lựa chọn vào đầu mỗi năm và công khai đầy đủ các tiêu chí.
Cụ thể phải là đơn vị thuộc Hiệp hội Kiểm tra kiểm định Hàn Quốc, có kinh nghiệm 5 năm trong việc thực hiện kiểm định gạo nhập khẩu theo cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) hay có chi nhánh hoặc đối tác phối hợp kiểm định tại các quốc gia như Trung Quốc, Hong Kong, Việt Nam, Thái Lan, Australia..; hồ sơ và thời gian nộp cũng được aT nêu rõ.... Thời gian thông báo đơn vị được lựa chọn thông thường khoảng 6 tuần kể từ ngày đăng thông tin.
Các đơn vị được lựa chọn trong những năm gần đây hầu hết là các tổ chức kiểm định hoặc các Viện nghiên cứu bao gồm: Overseas Marine & Cargo Inspection Corp; People & People Inspection Co.,Ltd; SGS Korea...
Một số nội dung kiểm định tại quốc gia xuất khẩu của đơn vị kiểm định như kiểm tra độ đồng nhất hay sự phù hợp giữa qui chuẩn mua hàng mà công ty cung cấp và qui cách của hàng mẫu mà doanh nghiệp cung cấp.
Đồng thời kiểm tra trọng lượng, số lượng và đơn lượng, tình trạng đóng gói và nhãn mác, kết quả phân tích độ tồn dư kim loại nặng của thuốc bảo vệ thực vật của nông sản, kiểm tra GMO, tình trạng dọn dẹp vệ sinh tàu hàng và các vật liệu, trang thiết bị được lắp đặt đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển như pallet, thảm chống thấm,…
Ngoài ra sẽ quản lí xếp hàng, kiểm tra năm đặt hàng của tàu, kiểm tra thủy lực và kiểm tra công vải bạt che kho hàng hóa (thuyền hàng), kiểm tra qui cách đóng gói bao bì và độ tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra đối tượng kiểm dịch, các kiểm tra khác theo yêu cầu thêm của công ty.