|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng tiến triển ra sao?

08:37 | 04/07/2021
Chia sẻ
15 ngân hàng có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong năm nay, trong đó có ngân hàng trả cổ tức với tỷ lệ lên đến 35%. Song, cũng có ngân hàng bất ngờ thay đổi kế hoạch ban đầu.

Trong năm nay, có tới 15 ngân hàng có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Trong đó, đã có 4 ngân hàng hoàn tất việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức bao gồm Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Viêt Nam Thương Tín (Vietbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB).

Theo kế hoạch chi trả cổ tức trong năm nay, hầu hết ngân hàng thực hiện chia bằng phát hành cổ phiếu, duy chỉ có Vietcombank và VietinBank sẽ chia một phần bằng tiền mặt với tỷ lệ lần lượt là 8% và 5% (Kế hoạch của Vietcombank đang chờ phê duyệt).

Kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng tiến triển ra sao? - Ảnh 1.

Kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng trong năm 2021. (Ảnh: Phương Nga tổng hợp).

Ở khối ngân hàng quốc doanh, trong khi kế hoạch chia cổ tức của VietinBank đã chính thức được duyệt thì kế hoạch của Vietcombank và BIDV vẫn đang trong thời gian chờ đợi.

Vietcombank dự kiến sẽ thực hiện trả cổ tức với 8% cổ tức bằng tiền mặt và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại những năm qua. Còn BIDV dự kiến phát hành hơn 207 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 5,2%,và hơn 281 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 7%.

Ở khối ngân hàng tư nhân, MB đang dẫn đầu về tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu với mức 35%, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu MBB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 35 cổ phiếu mới. Gần 980 triệu cổ phiếu MBB sẽ được phát hành theo kế hoạch này, ngày  đăng ký cuối cùng nhận cổ tức được ấn định là ngày 13/7.

MSB sẽ là ngân hàng có mức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cao thứ hai với tỷ lệ 30%. Tại ĐHĐCĐ năm nay, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết thời gian tiến hành chia cổ tức sẽ diến ra vào khoảng 30/5 - 1/6, sau khi bán cổ phiếu ESOP cho nhân viên. 

Tuy nhiên tới nay MSB mới công bố kế hoạch bán cổ phiếu ESOP vẫn chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra về ngày chốt quyền chia cổ tức.

Như vậy trong danh sách, OCB, HDBank và ACB sẽ là ba ngân hàng có cùng tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay với tỷ lệ là 25%. 

Các ngân hàng khác cũng liên tục triển khai kế hoạch chia cổ tức thời gian gần đây. Trong đó, SeABank vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ  thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 9,12% và phát hành cho cổ đông hiện hữu 136 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 11,25%.

Cùng với đó, Bac A Bank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn thông qua phát hành 44,6 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức với tỷ lệ 6,3%. Theo ngân hàng, số cổ phiếu mới này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Với Kienlongbank, ngân hàng cho biết sẽ hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 13% chậm nhất là 30/9 sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước Việt Nam chấp thuận.

Những cái tên còn lại góp mặt trong danh sách chia cổ tức  là Nam A Bank (tỷ lệ 10,2%) và Saigonbank (tỷ lệ 5%).

VPBank vốn dĩ nằm trong danh sách các ngân hàng không chia cổ tức trong năm nay. Song, mới đây ngân hàng bất ngờ ra thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Dù vậy, tỷ lệ chia cổ tức vẫn còn là một ẩn số, trong khi đó ngày đăng ký cuối cùng đã được chốt vào 13/7.

Những ngân hàng không chia cổ tức

Trong khi nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức trong năm nay thì vẫn có một số tổ chức tín dụng cho biết sẽ không chia cổ tức, có thể kể đến như TPBank, Techcombank, Sacombank, VIB.

Techcombank không còn là một cái tên xa lạ trong danh sách này khi đây là năm thứ 10 liên tiếp ngân hàng không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông. Lý giải cho việc này, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, cho biết ngân hàng không đặt nặng vấn đề tăng vốn điều lệ, đây chỉ là một phần trong hoạt động chiến lược của ngân hàng.

Tuy nhiên, ngân hàng sẽ hướng đến kế hoạch đạt 20 tỷ USD vốn hoá, đưa tỷ lệ CASA lên 55%, ROE đạt 20% vào năm 2025.

Khác với Techcombank, Sacombank không được phép chi trả cổ tức do vẫn đang thực hiện đề án tái cơ cấu đến năm 2025 từ năm 2015. Ngân hàng đã từng đề xuất được trả cổ tức nhưng chưa được NHNN chấp thuận.

Tại đại hội cổ đông năm nay, HĐQT hứa cố gắng 5 năm tái cơ cấu thành công, hy vọng 2022, trở về trạng thái bình thường sẽ được quyền xin NHNN chia cổ tức, dự kiến đến 2022 hoặc đầu 2023 có thể chia cổ tức.

Tại VIB, mặc dù ngân hàng không có kế hoạch chia cổ tức nhưng thay vào đó ngân hàng sẽ phát hành hơn 443 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ lên đến 40%, chốt ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/6.

Trong khi đó, hai ngân hàng là TPBank và VPBank lại để ngỏ khả năng trả cổ tức của mình. 

Tại ĐHĐCĐ của TPBank, Chủ tịch Đỗ Minh Phú giải thích lựa chọn không chia cổ tức trong năm nay do ngân hàng còn có những hạng mục cần thiết để đầu tư, tăng trưởng kinh doanh. Tuy nhiên, ông cho biết ngân hàng có thể chi trả cổ tức bất cứ lúc nào, hiện lợi nhuận chưa phân phối của TPBank đạt gần 2.979 tỷ đồng.

Phương Nga