JPMorgan: Mức giá hợp lý của bitcoin chỉ khoảng 35.000 USD
Các chiến lược gia của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới thậm chí còn khẳng định, theo đà tăng giá và sức nóng của thị trường thì thời gian tới, rất có thể bitcoin sẽ tăng tới 73.000 USD.
Triển vọng giá bitcoin theo phân tích của JPMorgan
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ JPMorgan đã ước tính mức giá cho bitcoin và nó thấp hơn rất nhiều so với thực tế các giao dịch đang diễn ra trên thị trường.
Trong khuôn khổ thực thi kế hoạch tập trung vào các khoản đầu tư thay thế, các chiến lược gia của JPMorgan đã công bố một báo cáo, trong đó khẳng định rằng các tài sản thay thế bao gồm tiền điện tử nói chung, bitcoin nói riêng “sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn vào năm 2022”.
Họ cũng khẳng định rằng “giá trị hợp lý” của bitcoin là khoảng 35.000 USD dựa trên mô hình định giá của công ty, thấp hơn khoảng 45% so với giá giao dịch hiện tại là hơn 63.000 USD (tính đến 03/11).
Tuy nhiên, JPMorgan cũng cho rằng mục tiêu giá bitcoin đạt 73.000 USD là có thể đạt được và khá hợp lý nếu sự biến động tương đối tiếp tục xảy ra trong năm tới. Dĩ nhiên, đây không phải là mục tiêu cao nhất mà mọi người mong đợi.
“Thực tế kết quả dự đoán này có thể thách thức ý tưởng rằng giá bitcoin sẽ đạt từ 100.000 USD trở lên trong năm năm 2022. Dù vậy thì mục tiêu 73.000 USD cũng phản ánh khả năng tăng trưởng bền vững của bitcoin trong trường hợp không có sự suy giảm đáng kể nào”, báo cáo cho hay.
Ngân hàng cũng đã gợi ý rằng điểm vào hiện tại “có vẻ không hấp dẫn”, nhưng tài sản tiền điện tử và bitcoin đang trên đà “đi lên về cấu trúc trong nhiều năm”.
Các nhà phân tích kết luận rằng loại tài sản thay thế, bao gồm nợ tư nhân và vốn cổ phần tư nhân tại Mỹ sẽ tăng trở lại mức 11% trong năm tới, gấp đôi mức tăng 5% từ cổ phiếu và thu nhập cố định.
Tuy nhiên, họ không đề xuất tiền điện tử như một “tài sản nắm giữ cốt lõi” do tính biến động cao của nó.
Hồi đầu tháng 9, JPMorgan cũng đã cảnh báo về sự biến động của bitcoin sau động thái rục rịch tăng giá của thị trường vào tháng 8. Thời điểm đó, vốn hóa của thị trường tiền điện tử đạt mức 2 nghìn tỷ USD. Hai tháng sau, vốn hóa thị trường đó đã tăng 35% lên 2,87 nghìn tỷ USD, theo CoinGecko.
Vào cuối tháng 9, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon nói rằng giá bitcoin vẫn có thể tăng gấp 10 lần, nhưng ông không quan tâm đến việc đầu tư vào nó. Ông thậm chí còn nhận định tài sản sẽ trở nên "vô giá trị" vào tháng sau (nghĩa là trong tháng 10).
Thực tế, các khách hàng tư nhân giàu có của ngân hàng rất quan tâm đến bitcoin và tiền điện tử. Do đó mà JPMorgan đã phát triển dịch vụ cấp quyền truy cập vào loại tài sản tiền điện tử của khách hàng từ tháng 7.
Đến đầu tháng 10, các chiến lược gia của JPMorgan lưu ý rằng nhiều nhà đầu tư tổ chức, doanh nghiệp đang ưa chuộng bitcoin hơn vàng vì họ coi đó như một hàng rào chống lại lạm phát.
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng đã cung cấp phân tích về tài sản tiền điện tử. Vào ngày 1/11, ngân hàng đã xuất bản một báo cáo cho các khách hàng quản lý tài sản của mình nêu chi tiết các xu hướng trong ngành, số liệu thị trường tiền điện tử và các tác động pháp lý tiềm năng.
Morgan Stanley là một trong số các ngân hàng đầu tư lớn cùng với JPMorgan, Wells Fargo, UBS, Citigroup và Goldman Sachs đã tranh giành việc thuê các chuyên gia tiền điện tử gần đây để phục vụ cho mục đích phân tích, nghiên cứu để hỗ trợ cho khách hàng tiềm năng.