|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

John McCain, người nỗ lực vun đắp quan hệ Việt - Mỹ, qua đời vì ung thư não

09:55 | 26/08/2018
Chia sẻ
Thượng nghị sĩ John McCain, người có đóng góp to lớn cho quan hệ Việt - Mỹ, qua đời hôm 25/8 sau hơn một năm chống chọi ung thư não. Vài ngày trước đó, ông quyết định dừng điều trị y tế.

Hồi tháng 7 năm ngoái, các bác sĩ của thượng nghị sĩ John McCain phát hiện những khối u nguyên bào thần kinh đệm (một dạng u não ác tính) trong não của ông. Từ tháng 12 năm ngoái, ông đã không tham dự các cuộc họp của Quốc hội Mỹ.

Ngày 24/8, gia đình McCain thông báo ông quyết định ngừng điều trị ung thư. Sau đó, vào chiều 25/8 theo giờ Mỹ, văn phòng của vị thượng nghị sĩ ra thông cáo rằng ông qua đời lúc 4h28 chiều 25/8, Reuters đưa tin.

john mccain nguoi no luc vun dap quan he viet my qua doi vi ung thu nao
Thượng nghị sĩ John McCain qua đời ở tuổi 81. Ảnh: AP

"Cindy McCain, vợ của thượng nghị sĩ John McCain, cùng gia đình đã ở bên ông khi ông qua đời. Tới lúc ấy, ông đã phục vụ nước Mỹ một cách trung thành trong 60 năm", thông cáo nhấn mạnh.

"Trái tim tôi tan vỡ. Tôi rất may mắn khi trải qua hành trình yêu thương người đàn ông phi thường này trong 38 năm. John đã qua đời đúng như cách anh ấy đã sống, theo đúng quan niệm của chúng tôi, trong vòng tay của những người mà anh ấy yêu quý", bà Cindy viết trên mạng xã hội Twitter.

Khoảng trống mà McCain để lại sẽ thu hẹp ưu thế đa số của đảng Cộng hòa trong thượng viện Mỹ. Hiện tại, đảng Dân chủ nắm 49 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện. Tuy nhiên, rất có thể thống đốc bang Arizona, ông Doug Ducey, sẽ bổ nhiệm một thành viên của đảng Cộng hòa vào vị trí của John McCain.

McCain bắt đầu nổi tiếng với công chúng Mỹ từ thập niên 60, sau khi ông trở về nước với tư cách là tù binh chiến tranh. Ông thất bại trước cựu tổng thống George W. Bush trong cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2000. Nhưng 8 năm sau, ông trở thành ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa. Sau đó, ông thất bại trước Barack Obama, người trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Nói về đối thủ một thời, cựu tổng thống Obama bình luận: "Tôi và McCain, mặc dù xuất thân và quan điểm chính trị hoàn toàn khác nhau, vẫn có chung một thứ. Đó là những lý tưởng mà nhiều thế hệ người Mỹ và người nhập cư đã đấu tranh, tuần hành và hy sinh để đạt được. Chúng tôi coi những cuộc đấu tranh chính trị là cơ hội để phụng sự những lý tưởng cao đẹp ở nước Mỹ, và thúc đẩy chúng trên khắp thế giới".

Để tri ân những đóng góp trong cuộc đời và sự nghiệp của John McCain, lưỡng viện Quốc hội Mỹ quyết định dùng tên ông đặt cho Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2019 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 13/8/2018.

Là một trong hai nhân vật nỗ lực kêu gọi và vận động Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, McCain từng nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và sẽ đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình thúc đẩy quan hệ hai nước, ông hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin và thực thi pháp luật.

Ngoài ra, Thượng nghị sĩ John McCain cũng luôn dành nhiều thời gian và tâm sức cho cộng đồng người Việt tại Mỹ. Sự gần gũi của ông với họ vượt trên cả quan hệ thông thường giữa chính khách và cử tri.

Đánh giá về những đóng góp lớn của Thượng nghị sĩ McCain đối với quan hệ Việt Nam-Mỹ, trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Washington DC ngày 21/1/2016, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, nhấn mạnh ông McCain luôn dành những tình cảm quý báu cho Việt Nam trong suốt nhiều năm qua và có nhiều đóng góp lớn cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

"Tôi luôn coi trọng quan hệ Việt-Mỹ. Với tôi, Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại khu vực", McCain từng nói như vậy.

Xem thêm

Kim Cương

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).