JLL: Tổng giá trị M&A BĐS quý I/2018 đạt khoảng 200 triệu USD
Chuyên gia ngoại nêu ‘rào cản’ người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam | |
Bị siết tín dụng, doanh nghiệp địa ốc tăng cường IPO, M&A để thu hút vốn ngoại |
Tại buổi báo cáo Thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2018 của Công ty nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle (JLL) mới đây, đại diện đơn vị này biết, quý này thị trường diễn ra nhiều thượng vụ mua bán và sát nhập (M&A) bất động sản (BĐS) trên cả nước nhưng trong số đó có nhiều thương vụ không công khai thông tin.
JLL điểm danh một số thương vụ M&A BĐS nổi bật trong quý I/2018. |
Bà Trang Lê, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam thông tin: “Con số về tổng giá trị các cuộc M&A được công bố trong quý I là 60 triệu USD, nhưng JLL cho rằng đây chỉ là giá trị của chưa đến một nửa số giao dịch đã thành công. Chúng tôi ước tính quý I/2018 có tổng giá trị các thương vụ M&A khoảng 200 triệu USD – đây chỉ là con số tham khảo để thấy hoạt động mua bán, sát nhập đã diễn ra sôi động như thế nào trong quý đầu năm này”.
Các thương vụ M&A BĐS diễn ra dàn trải ở tất cả các phân khúc đất nền, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê... chứ không tập trung riêng ở bất kỳ phân khúc nào. Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam thể hiện ở việc BĐS đang đứng vị trí thứ ba trong top 5 lĩnh vực nhận nhiều FDI nhất hiện nay.
GDP quý I của Việt Nam tăng trưởng tốt khiến tất cả các phân khúc BĐS cũng tăng trưởng tốt theo. Trong khu vực, thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá là tốt nhất so với các thành phố và các nước khác...
Nói về nguyên nhân thúc đẩy hoạt động M&A BĐS, đại diện JLL cho rằng là do năm 2018 Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào nhiều dự án BĐS mới, việc này khiến các doanh nghiệp địa ốc phải tìm những nguồn vốn khác từ các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển dự án.
Theo bà Trang Lê, ngân hàng nội siết tín dụng vào BĐS là một trong những nguyên nhân thúc đẩy M&A BĐS. (Ảnh: Hiếu Quân) |
“Nhà đầu tư nước ngoài khi đổ tiền vào thị trường BĐS Việt Nam thường không định hướng là chỉ đầu tư ngắn hạn trong 1 – 2 năm mà sẽ đầu tư dài hạn hơn. Hiện số lượng các tòa nhà văn phòng và thương mại ở Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với các thành phố khác nên không có nhiều cơ hội để đầu tư ở Việt Nam. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm các dự án phát triển trong tương lai, tìm các đối tác trong khoảng thời gian trung và dài hạn - ít nhất là trong 5 năm tới”, bà Trang cho biết.
Trước đó tại buổi báo cáo thị trường BĐS quý I/2018 của Savills vào ngày 11/4, đại diện đơn vị này cũng nêu quan điểm tương đồng, dù nguồn tín dụng vào BĐS đã bị siết ngay trong quý đầu năm nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới của ngành địa ốc vẫn tăng lên, đòi hỏi nguồn vốn lớn. Thị trường đã xuất hiện việc các doanh nghiệp BĐS tăng cường các hoạt động thu hút vốn FDI thông qua nhiều hình thức như M&A, IPO...
Bên cạnh đó, cũng trong phạm vi của buổi báo cáo, PV đặt câu hỏi về xu hướng phát triển của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới có gì đáng lưu ý? Bà Trang Lê nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích hoạt động du lịch phát triển như miễn phí visa cho khách du lịch đến từ một số ước, áp dụng visa điện tử, mở thêm nhiều đường bay quốc tế... Kết quả chính là việc số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay trong quý I vừa qua.
“Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đặt Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác. Vì vậy, Chính phủ đã chú trọng hơn đến vấn đề phát triển ngành du lịch theo chiều sâu và có những chính sách để thúc đẩy ngành trong thời gian cả trung và dài hạn...
Số liệu thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2018 đã vượt mức 4,2 triệu lượt người, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp ngành du lịch Việt Nam hy vọng trong cả năm 2018 có thể có 15,5 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch...