Iraq giảm xuất khẩu, sản lượng tháng 10 của OPEC giảm 80 nghìn thùng/ngày
Logo OPEC bên ngoài trụ sở của khối tại Vienna, Áo. Nguồn: Leonhard Foeger/Reuters. |
Cụ thể, tỷ lệ cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC tăng lên 92% trong tháng 10 từ mức 86% của tháng trước đó, nhờ quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Arabia tiếp tục duy trì sản lượng thấp hơn mục tiêu của OPEC và cuộc khủng hoảng tại Venezuela khiến sản lượng dầu nước này sụt giảm liên tục.
Sản lượng dầu mỏ của Iraq giảm nhiều nhất, 120.000 thùng/ngày, trong tháng 10 vừa qua. Cả sản lượng khai thác và xuất khẩu từ miền bắc Iraq đồng loạt giảm từ giữa tháng 10 khi lực lượng chính phủ nước này giành lại quyền kiểm soát nhiều mỏ dầu từ các tay súng người Kurd vốn kiểm soát khu vực này từ năm 2014.
Sản lượng xuất khẩu từ miền bắc Iraq giảm trong 3 tuần đầu tháng 10 nhưng tăng trở lại trong tuần cuối nhờ kế hoạch bù đắp sản lượng của Iraq.
Trong khi đó, sản lượng khai thác của Venezuela, nơi ngành dầu mỏ đang thiếu vốn nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của OPEC. Sản lượng xuất khẩu và lọc dầu của nước này cũng giảm trong tháng 10.
Tại Algeria, sản lượng dầu mỏ sụt giảm do kế hoạch bảo dưỡng các mỏ dầu.
Khảo sát cũng ghi nhận tổng sản lượng từ Nigeria và Libya, hai quốc gia nằm ngoài thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, duy trì ổn định trong tháng 10.
Sản lượng dầu mỏ của Nigeria giảm 70.000 thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô chất lượng cao Bonny Light sụt giảm, trong khi các lô dầu thô khác, trong đó có loại dầu Qua Iboe và Forcados, cũng bị trì hoãn.
Ngược lại, sản lượng của Libya tăng 70.000 thùng/ngày trong tháng 10 nhờ nguồn cung ổn định từ Sharara, mỏ dầu lớn nhất nước này.
Angola là quốc gia có sản lượng tăng nhiều nhất với sản lượng xuất khẩu trong tháng 10 dự kiến cao nhất trong 13 tháng.
Cũng theo khảo sát này, sản lượng tháng 10 của OPEC đạt 32,65 triệu thùng/ngày, cao hơn 900 nghìn thùng/ngày so với kế hoạch sản lượng được điều chỉnh sau khi Indonesia tuyên bố rút lui khỏi OPEC.
Nhờ sản lượng tăng thêm từ Guinea Xích Đạo, tổng sản lượng tháng 10 của khối đạt 32,78 triệu thùng/ngày, giảm 80 nghìn thùng/ngày so với tháng 9.
OPEC đang cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày cho đến tháng 3/2018, một phần trong thỏa thuận với Nga và các quốc gia khác.
Các quốc gia này kỳ vọng sẽ kéo dài thời hạn của thỏa thuận này sang năm 2018 khi các bên nhóm họp vào ngày 30/11 tới.
“Cả Nga và Saudi Arabia đều muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Cuộc họp cuối tháng này của OPEC có thể sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu các nhà sản xuất không tiếp tục cắt giảm sản lượng hoặc các thành viên nằm ngoài thỏa thuận như Libya và Nigeria không giảm kho dự trữ”, ông Stephen Brennock, chuyên gia môi giới tại PVM, cho biết.