iPhone tròn 10 tuổi, thị trường smartphone đạt 600 tỷ USD
Cách đây 10 năm, Steve Jobs đã bắt đầu một cuộc cách mạng. Ảnh: AP |
9/1/2007 là ngày Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên. Kể từ đó đến nay, smartphne ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Không chỉ là chiếc điện thoại di động, smartphone còn giúp con người xem clip, kết nối internet. Cùng lúc đó, các dịch vụ mới trên chiếc điện thoại thông minh như ứng dụng thanh toán cũng ngày càng phổ biến trong thời kỳ cải tiến công nghệ.
Ngành kinh doanh mới, cơ hội mới
Khi thị trường chiếc điện thoại cầm tay bắt đầu trở nên chín muồi, chiếc smartphone tiếp tục mở ra nhiều ngành kinh doanh mới. Ví dụ, dịch vụ gọi xe do công ty Uber phát triển là một trong những dịch vụ trở thành hiện thực nhờ sự phổ biến của smartphone.
Theo đó, khi sử dụng dịch vụ này, khách hàng gọi xe qua ứng dụng Uber. Vị trí của khách hàng sẽ được hiển thị một cách tự động trên bản đồ điện thoại của tài xế. Khách hàng nhập địa chỉ cần đến qua smartphone, từ đó tài xế sẽ tự động biết lộ trình cần đi và suốt cả quá trình nói trên hai người không cần phải nói gì với nhau.
Do đó, dịch vụ này đem lại cơ hội việc làm cho những người điếc hoặc điếc một phần. Tại Mỹ, có tới 37 triệu người điếc hoặc điếc một phần và 70% trong số đó không kiếm được việc làm.
Khi chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt năm 2007, cơ bản nó chỉ là chiếc điện thoại di động kết hợp máy nghe nhạc. Nhưng khi ngành công nghiệp bán dẫn trở nên tinh vi và mạnh mẽ hơn, chiếc smartphone đã dần chiếm lấy thị phần của máy tính cá nhân, máy chụp hình cá nhân, hệ thống dẫn đường xe hơi và máy chơi game cầm tay.
Thành công của Apple đã thôi thúc các công ty khác làm ra chiếc smartphone của riêng họ. Theo thống kê của hãng nghiên cứu Đức Statista, toàn thị trường smartphone đạt giá trị 420 tỷ USD về thiết bị và 88 tỷ USD về ứng dụng tính đến năm 2016. Còn hãng nghiên cứu eMarketer của Mỹ dự đoán rằng thị trường quảng cáo qua điện thoại di động toàn cầu vượt quá 100 tỷ USD năm 2016. Nền kinh tế smartphone sẽ còn lớn hơn nữa nếu tính cả các dịch vụ không được đề cập rong các thống kê này như dịch vụ gọi xe hay thương mại điện tử.
Trở thành thiết bị công nghệ thông tin hàng đầu dành cho khách hàng trong thập kỷ qua, smartphone tiếp tục thay đổi cách con người làm việc và sinh sống. Ví dụ, CEO của Salesforce.com, ông Marc Benioff cho biết mình sử dụng smartphone cho tất cả các nhiệm vụ cơ bản hàng ngày như trả lời email, xem tài liệu. Ông không sử dụng máy tính cá nhân vì công việc của các đối tác cũng xoay quanh chiếc smartphone.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo
Sự tăng trưởng của các loại hình dịch vụ xoay quanh smartphone đã dẫn đến sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI), và cuối cùng chính AI sẽ có thể đe dọa sự thống trị của smartphone.
Echo của Amazon là một thiết bị AI, trong đó cho phép ra lệnh bằng giọng nói để điều khiển thiết bị trong nhà như máy chơi nhạc hay đèn chiếu sáng. Thiết bị được kết nối với điện toán đám mây còn có thể tìm nhạc, đọc báo và trả lời câu hỏi của chủ nhân. Cho đến nay, doanh số bán thiết bị này đã vượt 5 triệu đơn vị. Cú ăn điểm của Echo là cho phép người dùng điều khiển thiết bị trong nhà mà không cần đến smartphone.
Còn startup Brain of Things đã phát triển một ứng dụng nhà thông minh sử dụng AI. Khi chủ nhân về đến nhà, rèm sẽ tự động kéo lên, cửa trước mở sẵn. Bằng cách hợp tác với các công ty bất động sản, Brain of Things đã bán được 20.000 nhà thông minh cho đến cuối năm nay.