Intel trên bờ vực thẳm: Liệu có tránh khỏi số phận bi thảm như Nokia, Yahoo?
Theo Wall Street Journal, tình hình của Intel chưa bao giờ tồi tệ đến vậy. Báo cáo quý II thảm hại của Intel trong tháng này đã đặt nhà sản xuất chip đang gặp khó khăn vào một vị thế hoàn toàn mới, dĩ nhiên là nó không hề vui.
Doanh số sụt giảm ở các thị trường chủ chốt và chi phí tăng cao cho kế hoạch tham vọng cải tổ sản xuất đã buộc công ty phải thực hiện các bước quyết liệt hơn để bảo toàn tiền mặt. Những biện pháp này cho thấy tình hình ở Intel là nghiêm trọng như thế nào. Công ty đã sa thải 15% lực lượng lao động tương đương 17.500 người trên toàn cầu, cắt giảm chi tiêu cho xây dựng và trang bị cơ sở sản xuất, và tạm ngưng cổ tức mà Intel đã chi trả từ năm 1992.
Lần tái cơ cấu mạnh mẽ của Intel cũng khiến các nhà đầu tư rút lui hàng loạt. Công ty mất hơn một phần tư giá trị thị trường vào ngày sau khi công bố báo cáo tài chính ngày 1/8, và cổ phiếu đã giảm thêm 8% kể từ đó - tệ hơn so với sự sụt giảm của hầu hết các cổ phiếu chip khác trong đợt bán tháo toàn cầu tuần qua.
Cổ phiếu Intel hiện đã mất khoảng 68% kể từ khi Giám đốc điều hành Pat Gelsinger lần đầu tiên trình bày kế hoạch tái cơ cấu sau khi tái gia nhập công ty vào đầu năm 2021. Trong khi đó, S&P 500 đã tăng 39% trong cùng khoảng thời gian.
Intel hiện cũng đang giao dịch dưới giá trị sổ sách của công ty lần đầu tiên kể từ năm 1981. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư hiện đang định giá một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới thấp hơn giá trị của các cơ sở vật chất và tài sản khác trên bảng cân đối kế toán của công ty.
Tuy vậy, chính những cơ sở vật chất đó cũng là chìa khóa để Intel tồn tại. Các nhà máy hiện đại cần nhiều năm để xây dựng và trang bị và hiện nay chi phí khoảng 20 tỷ USD. Đây là lý do vì sao các nhà sản xuất chip nhận được hỗ trợ từ chính phủ Mỹ. Đạo luật Chips được thông qua vào năm 2022 đã phác thảo 39 tỷ USD trợ cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất chip để giúp chi trả chi phí xây dựng các cơ sở mới.
Intel là người hưởng lợi lớn nhất, nhận được 8,5 tỷ USD từ khoản tiền đó để hỗ trợ tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy mới ở Arizona và Ohio. Intel đã là "con cá lớn" nhất trong "ao làng" nước Mỹ. Các nhà máy hiện tại của công ty chiếm khoảng 41% công suất sản xuất wafer 300 mm của quốc gia - loại sản xuất chip được sử dụng phổ biến nhất trong các phân khúc thị trường chủ chốt, theo công ty nghiên cứu thị trường TechInsights.
Nhưng một phần lớn vấn đề hiện tại của Intel là các chip mà họ sản xuất không bán chạy như trước đây. Đặc biệt, mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu từng bùng nổ của công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề khi mất thị phần chip CPU máy chủ cho Advanced Micro Devices. Hãng cũng cho thấy sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ, từ trung tâm dữ liệu sang bộ tăng tốc GPU của Nvidia, vốn là yếu tố quan trọng để cung cấp năng lượng cho các dịch vụ AI tạo sinh.
Doanh thu trung tâm dữ liệu của Intel dự kiến sẽ đạt 12,6 tỷ USD trong năm nay, chưa bằng một nửa mức đỉnh cách đây chỉ 4 năm, theo ước tính từ Visible Alpha. Sự chuyển dịch nhanh chóng sang chi tiêu cho AI và đặc biệt là Nvidia - không phải là điều được dự đoán khi Intel đưa ra kế hoạch tham vọng và tốn kém để bắt kịp quy trình sản xuất của đối thủ Đài Loan TSMC cách đây ba năm.
Đi vào vết xe đổ của Nokia, Kodak?
Trong làng công nghệ toàn cầu, Intel từng là cái tên bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, gã khổng lồ ngành chip đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, khiến nhiều người liên tưởng đến số phận của những "người khổng lồ" công nghệ trước đây như Nokia, Kodak hay BlackBerry.
Giám đốc điều hành Pat Gelsinger dự báo năm 2024 sẽ là năm tồi tệ nhất đối với mảng kinh doanh sản xuất chip của công ty, và phải đến năm 2027 mới có thể hòa vốn. Ông thừa nhận rằng những con số này một phần là hậu quả của những sai lầm trong quá khứ, khiến Intel phải gia công khoảng 30% tổng sản lượng wafer của mình cho các xưởng đúc khác, trong đó có đối thủ cạnh tranh lớn nhất hiện nay là TSMC.
Intel đang nỗ lực vực dậy bằng cách đầu tư vào công nghệ mới như máy cực tím (EUV) của công ty ASML Hà Lan. Tập đoàn cũng có kế hoạch chi khoảng 100 tỷ USD để xây dựng hoặc mở rộng các xưởng đúc chip ở 4 bang của Mỹ, đồng thời sẽ nhận được khoản tài trợ lên tới 8,5 tỷ USD từ chính phủ Mỹ theo Đạo luật CHIPS.
Thống kê cho thấy thị phần chip máy tính của họ đang bị đối thủ AMD lấn át. Từ vị trí thống trị với 91% thị phần trong giai đoạn 2016-2019, Intel đã tụt xuống còn 71,9% vào quý II/2024, trong khi AMD đã tăng lên 21,7%. Không chỉ vậy, Intel còn để mất lợi thế sản xuất chip về tay TSMC. Từng đứng đầu mảng sản xuất, công ty Mỹ bị hãng gia công bán dẫn từ Đài Loan vượt qua vào năm 2021 và trở thành công ty chip lớn nhất thế giới hai năm sau đó.
Nguyên nhân của sự tụt hậu này được cho là do Intel đã bỏ lỡ làn sóng chip di động khi iPhone ra mắt năm 2007 và đứng ngoài cuộc đua AI. Theo Reuters, khoảng 7 năm trước, Intel đã có cơ hội mua 15% cổ phần của OpenAI với mức giá 1 tỷ USD. Công ty đứng sau ChatGPT khi đó là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận mới thành lập hoạt động trong một lĩnh vực ít được biết đến là trí tuệ nhân tạo.
Quyết định sai lầm về việc không đầu tư sớm vào công nghệ EUV cũng khiến Intel trượt từ vị trí đi trước các đối thủ một thế hệ về công nghệ chip xuống đi sau một thế hệ.
Giới chuyên gia nhận định rằng khả năng đối phó với những khó khăn hiện tại sẽ quyết định số phận của Intel. Trong kịch bản tốt nhất, hãng có thể đảo ngược tình thế bằng cách đẩy mạnh R&D, sử dụng nguồn lực để tạo ra công nghệ tiên tiến và giành lại thị trường. Tuy nhiên, họ cần áp dụng AI và tái cơ cấu theo cách linh hoạt hơn. Một trong những yếu tố có lợi cho Intel là sự ủng hộ từ chính phủ Mỹ.
Tổng thống Joe Biden và giới chức Mỹ coi hãng là nòng cốt của chuỗi cung ứng chip và đổ hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu không thể thích nghi và còn để mất thêm thị phần, mọi kế hoạch có thể phản tác dụng.
Kịch bản xấu nhất, Intel có thể sẽ theo chân Nokia hay Yahoo - những gã khổng lồ công nghệ một thời đã không thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.