|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Indonesia vào danh sách đen thương mại của Mỹ: cảnh báo cho Việt Nam

21:18 | 16/04/2017
Chia sẻ
Trong khi mức thặng dư thương mại giữa các nền kinh tế bị xếp vào danh sách đen về thương mại của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên tới 50-60 tỉ USD/năm, thì Indonesia với mức thặng dư chỉ vỏn vẹn 13 tỉ USD trong năm 2016 cũng chung số phận. Đó là một cảnh báo cho Việt Nam, khi có mức thặng dư lên tới 32 tỉ USD với Mỹ trong năm ngoái.

indonesia vao danh sach den thuong mai cua my canh bao cho viet nam

Chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong tháng 4 này sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo trong chính quyền mới của Mỹ tới châu Á. Nó đem theo kỳ vọng về sự duy trì mối quan hệ tốt đẹp vốn có nhưng đồng thời cũng mang đến những nỗi lo ngại về vấn đề mâu thuẫn thương mại của các quốc gia châu Á với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cả 4 quốc gia nằm trong lịch trình của ông Mike Pence gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Australia đều nằm trong danh sách bị điều tra về cáo buộc gian lận thương mại của chính phủ Mỹ.

Điều đáng chú ý là, trong khi mức thặng dư thương mại giữa các nền kinh tế như Nhật Bản và Hàn Quốc với Mỹ đều khá lớn và dao động quanh mức 50-60 tỉ USD/năm, thì Indonesia với mức thặng dư chỉ vỏn vẹn 13 tỉ USD trong năm 2016 cũng bị xếp vào danh sách đen này. Đó sẽ là một cảnh báo cho Việt Nam, khi nền kinh tế của chúng ta trong năm 2016 đã có mức thặng dư lên tới 32 tỉ USD với Mỹ.

Các quan chức chính phủ Indonesia hiện tại đang phải đối mặt với một sức ép lớn chưa từng có trước chuyến thăm chính thức của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Indonesia được thông báo bị liệt vào danh sách đen về thương mại cần phải điều tra của chính phủ Mỹ.

Vấn đề trở nên rất rõ ràng: Jakarta phải thuyết phục bằng được ông Pence trong chuyến công du này rằng Indonesia sẵn sàng cam kết về mối quan hệ thương mại công bằng và tự do với Mỹ trong tương lai trước khi Nhà Trắng chính thức công bố danh sách đen dự kiến vào cuối tháng này.

Ông Iman Pambagyo, Trưởng bộ phận Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, cho biết: “Chúng tôi muốn tiếp tục coi Mỹ là đối tác chiến lược về thương mại cũng như hợp tác kinh tế và đầu tư. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi bất ổn kinh tế toàn cầu vẫn đang diễn ra, chúng tôi đang thực sự bối rối với tín hiệu được Washington phát đi rằng Indonesia là nước khiến Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại lớn và đệ đơn yêu cầu chống bán phá giá với dầu diesel sinh học của chúng tôi. Nó thực sự khiến chúng tôi lo lắng”.

Những lời giải thích của ông Pambagyo tỏ ra khá hợp lý: “Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn hướng đi chính sách về thương mại của Washington, vì khi nói về thâm hụt thương mại, tôi nghĩ khó lòng có thể đòi hỏi đạt được thặng dư trong tất cả các mối quan hệ thương mại từ tất cả các quốc gia trên thế giới”.

Quả thực, mức thặng dư thương mại mà Indonesia đạt được với Mỹ không phải là quá lớn. Trong năm 2016, Indonesia chỉ đạt mức thặng dư 13 tỉ USD với Mỹ, phần lớn là từ xuất khẩu hàng dệt may, thủy sản và tài nguyên thiên nhiên vốn không phải là những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn.

So với quốc gia đang dẫn đầu ASEAN về tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ là Việt Nam thì Indonesia kém khá xa. Trong năm 2016 thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên tới 32 tỉ USD, trong đó chủ yếu là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như điện thoại thông minh, linh kiện điện tử và dệt may.

Chính điều này đã khiến chính phủ Indonesia nghĩ rằng nước này sẽ không bị Trump nhắm đến trong cuộc chiến thương mại của mình. Tuy nhiên, Indonesia vẫn bị liệt vào danh sách đen khiến các quan chức nước này hoảng hốt.

Xung đột thương mại lớn gần như duy nhất giữa Mỹ và Indonesia ở thời điểm hiện tại là mâu thuẫn về các sản phẩm dầu sinh học xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiệp hội Giao dịch Diesel Quốc gia của Mỹ cho rằng các nhà sản xuất của Indonesia và Argentina đang bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất đồng thời được hưởng lợi từ các biện pháp hỗ trợ bất hợp pháp từ chính phủ trong nước.

Hiệp hội này đang đề xuất tăng mức áp thuế lên thêm 23% với sản phẩm từ Argentina và 34% từ Indonesia, đồng thời cũng đã đệ đơn kiện chống bán phá giá tại Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ. Ngoài ra, cũng đang có một tranh chấp giữa chính phủ Indonesia với công ty khai thác mỏ khổng lồ của Mỹ là Freeport-McMoRan về một hợp đồng khai thác tại nước này.

Theo các nhà phân tích, lý do Indonesia rơi vào danh sách đen về thương mại của chính quyền mới ở Mỹ dù thặng dư thương mại không quá lớn, là vì tiềm năng gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Indonesia. Hiện tại Indonesia đang là nền kinh tế có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nước này cũng đang đón nhận sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc xuống phía Nam.

Không khó để dự đoán rằng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Indonesia vào Mỹ sẽ nhanh chóng thay đổi từ các mặt hàng gia công và tài nguyên có giá trị thấp sang các sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Nếu không có giải pháp ngay ở thời điểm hiện tại, Indonesia sẽ có thể đạt được mức thặng dư thương mại khổng lồ trong tương lai gần với Mỹ.

Ngoài ra, đây cũng có thể là một biện pháp nhằm gây sức ép buộc chính phủ Indonesia mở cửa hơn nữa thị trường tiềm năng khổng lồ có dân số trên 250 triệu người cho các công ty và hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Đúng như ông Iman Pambagyo đã nói, thật khó có chuyện đòi hỏi đạt được thặng dư với tất cả các đối tác thương mại. Chính vì thế Mỹ đang chọn cách tăng cường thâm nhập vào các thị trường tiềm năng nhất để thúc đẩy xuất khẩu nhiều nhất có thể: nếu không thể giảm ngay thâm hụt thương mại với Trung Quốc thì Mỹ có thể bù đắp bằng cách đạt được thặng dư thương mại với Indonesia.

Đây có thể sẽ là lời cảnh báo với các nền kinh tế đang phát triển khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong số đó, khi ngoài mức thặng dư thương mại cao với Mỹ thì Việt Nam cũng đang có một thị trường tiêu thụ với tiềm năng rất cao. Theo tính toán, lượng người có thu nhập bình quân gần 9.000 USD/năm ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay lên mức 33 triệu người vào năm 2030, và đến năm 2050 dự kiến Việt Nam sẽ là nằm trong top 20 các nền kinh tế có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới. Đó sẽ là mục tiêu mà có lẽ chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ không thể bỏ qua sau Indonesia.

Nhàn Đàm

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.