IMF: Một số hệ thống ngân hàng có thể phải tái cấu trúc trong kịch bản tồi tệ nhất
Các quan chức tại Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã đưa ra nhận định hệ thống ngân hàng của một số quốc gia có thể phải được tái cơ cấu vốn hoặc thậm chí tái cấu trúc, nếu nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự gián đoạn kéo dài vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong một bài phỏng vấn với hãng tin Reuters, ông Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận thị trường tiền tệ và thị trường vốn của IMF, nói rằng trong kịch bản 'cơ sở', con đường tăng trưởng của các ngân hàng sẽ lặp lại như những gì từng xảy ra vào năm 2009. Ông Andiran đồng ý rằng các ngân hàng hiện tại có thể chịu được những tác động bất lợi từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, các điều kiện tài chính của họ có thể xấu dần đi.
Trong một kịch bản “cực kỳ bất lợi”, ông Adrian lưu ý một số ngân hàng có thể bị thiếu vốn. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách có thể phải thực hiện các biện pháp như tái cơ cấu nợ hoặc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Còn trong một bài chung với ông Aditya Narain, Phó Giám đốc bộ phận thị trường tiền tệ và thị trường vốn của IMF, ông Adrian đã đưa ra một số biện pháp mà các cơ quan quản lý cần thực hiện để giảm thiểu tác động của khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 đối với các hệ thống ngân hàng.
Các biện pháp trên bao gồm việc ngừng đưa ra các chính sách mới, khuyến khích sửa đổi các điều kiện cho các khoản nợ và kêu gọi các ngân hàng sử dụng dự trữ thanh khoản của họ - biện pháp mà nhiều cơ quan quản lý đang thực hiện.
Ông Adrian và ông Narain cũng cảnh báo rằng tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, sự phối hợp của các ngân hàng trên toàn cầu là "bắt buộc" trong cuộc khủng hoảng lần này.
Trong một nỗ lực tăng cường dự trữ vốn của các ngân hàng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước đã yêu cầu các ngân hàng tạm dừng tất cả các khoản thanh toán cổ tức cho đến ít nhất là tháng 10/2020. Các ngân hàng lớn ở Mỹ cũng chịu áp lực phải tạm dừng thanh toán cổ tức sau khi đình chỉ các kế hoạch mua lại cổ phiếu trong tháng này.