|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IMF: Đồng USD đang được định giá quá cao 6-12%

06:00 | 19/07/2019
Chia sẻ
Dựa trên các yếu tố kinh tế căn bản ngắn hạn, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho rằng đồng USD đang được định giá cao hơn 6 - 12% so với giá trị thực.
105867670-1556061958755gettyimages-1135806146

Con dấu của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được nhìn thấy bên ngoài tòa nhà trụ sở tại Washington DC vào ngày 8/4/2019. (Ảnh: AFP)

CNBC đưa tin, IMF cũng nhận định đồng euro, yen Nhật và nhân dân tệ nhìn chung có mức tỷ giá phù hợp với các yếu tố căn bản.

IMF không đồng tình với Tổng thống Trump về việc ông sử dụng thuế quan để giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại.

Tuy nhiên, đánh giá của IMF cho thấy đồng USD đang được định giá cao hơn giá trị thực, nhờ đó giúp ông Trump củng cố quan điểm rằng sức mạnh của đồng USD gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu của Mỹ.

Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách của châu Âu và Trung Quốc, theo đó khẳng định các chính sách này dẫn tới điều mà ông cho là phá giá đồng euro và đồng nhân dân tệ so với đồng USD.

Hàng năm, IMF sẽ thực hiện báo cáo External Sector Report nhằm đưa ra đánh giá về tiền tệ, tình trạng thặng dư và thâm hụt của các nền kinh tế lớn.

Trong báo cáo gần nhất, cơ quan này cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai vẫn tập trung ở khu vực đồng tiền chung euro và các nền kinh tế phát triển như Singapore, trong khi thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn duy trì ở Mỹ, Anh và một số nền kinh tế mới nổi.

IMF cho biết các động thái chính sách thương mại gần đây đang đặt ra sức ép lên các dòng chảy thương mại toàn cầu, gây xói mòn niềm tin và gián đoạn hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, các chính sách này không hề có tác dụng đảo ngược tình trạng mất cân đối (thặng dư/thâm hụt) thương mại.

Trước đó, họ còn cảnh báo rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể quét sạch 455 tỉ USD từ nền kinh tế toàn cầu vào năm tới.

Thay vì "đấu đá" bằng thuế quan, IMF khuyến nghị các quốc gia có thặng dư và thâm hụt vãng lai nên khôi phục các nỗ lực tự do hóa thương mại và củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc đã duy trì trong 75 năm qua.

"Các nguy cơ như gia tăng căng thẳng thương mại hay tiến trình Brexit vỡ lở - cùng hệ quả xấu đi đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và mức độ e ngại rủi ro từ nhà đầu tư, có thể ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều  vào nhu cầu và hỗ trợ tài chính từ bên ngoài", báo cáo cho hay.

Báo cáo còn cho biết các nước có thâm hụt vãng lai như Mỹ và Anh nên cắt giảm chi tiêu  mà không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng, trong khi các nước có thặng dư vãng lai như Đức, Hà Lan và Hàn Quốc nên tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và tránh tiết kiệm thái quá.

IMF đánh giá rằng giá trị của đồng euro hiện nay là phù hợp với tình trạng của nền kinh tế khu vực Eurozone nói chung, nhưng tỷ giá hữu hiệu thực tế (REER) của đồng euro đang thấp hơn 8-18% so với các yếu tố kinh tế nền tảng của Đức nếu xét đến thặng dư vãng lai lớn của nước này.

Yên Khê

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.