Kế hoạch của Trump: Hạ giá đồng USD để kích thích nền kinh tế Mỹ
Nguồn: laodong.vn
Tổng thống Trump liên tục đề cập đến việc đồng USD quá mạnh so với những loại tiền tệ khác – một số nhà phân tích đồng ý với điều đó. Thực tế, đồng USD có giá trị quá cao đã hạn chế các hoạt động sản xuất và ngoại thương tại Rust Belt (Các tiểu bang Trung Tây Bắc nước Mỹ), vốn đóng vai trò quan trọng đến cơ hội tái đắc cử của ông Trump.
Ngày càng có nhiều suy đoán rằng các quan chức của ông Trump sẽ có những bước đi cụ thể nhằm hạ giá đồng USD, tạo ra một sự đột phá mạnh mẽ và nguy hiểm.
Tuy nhiên, chiến lược này có hiệu quả thế nào vẫn là điều chưa rõ – nhưng lại có nguy cơ phản tác dụng, nó có thể khiến những nước khác trả đũa, tăng giá nhập khẩu và làm suy yếu sức mua của các hộ dân Mỹ.
“Điều đó có thể gây ra chiến tranh tiền tệ,” Bank of America cảnh báo trong một thông báo gửi tới khách hàng gần đây.
Chính phủ Mỹ có nhiều cách hạ giá đồng USD. Một trong số đó là loại bỏ hoàn toàn “chính sách đồng USD mạnh” đã được thực hiện từ hai thập kỷ nay.
Cách thứ hai là ông Trump có thể buộc Bộ Tài chính Mỹ bán ra USD (tăng cung USD) để làm suy yếu đồng bạc xanh. Từ năm 1995 đến nay, một sư can thiệp như thế chưa từng xảy ra.
“Chúng tôi nghĩ sự can thiệp ngoại hối trực tiếp từ Mỹ là một nguy cơ tiềm ẩn,” chiến lược gia Goldman Sachs, Michael Cahill viết trong một thông báo đến khách hàng.
Những nước cờ thương mại bất ngờ của ông Trump đã “tạo ra một suy nghĩ ‘mọi chuyện đều có thể xảy ra,” Cahill cho biết. Tổng thống đã gợi ý về một nước cờ táo bạo về tiền tệ.
Vào ngày 3/7, ông Trump than phiền trong một bài đăng trên Twitter rằng Trung Quốc và châu Âu đang chơi “trò thao túng tiền tệ.”
“Chúng ta nên đáp trả tương xứng, hoặc tiếp tục làm những tên ngốc ngồi yên và lịch sự quan sát,” ông Trump viết trên Twitter.
Vào tháng trước, ông Trump than phiền rằng chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu khiến đồng Euro rớt giá, “giúp họ cạnh tranh với nước Mỹ dễ dàng đến mức thiếu công bằng.”
Đương nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay đổi quan điểm từ “diều hâu” (ủng hộ thắt chặt tiền tệ) sang “bồ câu” (ủng hộ nới lỏng tiền tệ) đã hạ nhiệt đồng USD. Trong năm nay, đồng USD tăng chưa đến 1% so với rổ tiền tệ.
Ông vua tiền tệ
Có bằng chứng chứng minh ông Trump đã đúng về đồng USD. Vào tuần trước Chỉ số Big Mac của tạp chí The Economist cho thấy hầu hết những loại tiền tệ khác đều đang được định giá thấp so với đồng USD.
“Điều Tổng thống Trump nói cũng có ý đúng,” ông Stephen Gallo, người đứng đầu về chiến lược ngoại hối tại Châu Âu của BMO Capital Markets, cho biết.
Đồng USD đã mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền khác kể từ năm giữa năm 2016 và hiện vẫn duy trì ở mức khá cao. Điều đó là do các nền kinh tế khác trên thế giới đang suy yếu.
Đà mạnh lên của đồng USD cũng được thúc đẩy bởi các chính sách của chính quyền Trump, bao gồm kích thích nền kinh tế Mỹ bằng cách cắt giảm và bãi bỏ quy định thuế và những nỗ lực giảm thâm hụt thương mại Mỹ.
“Chính sách 'Nước Mỹ trên hết' mà ông Trump hay cổ súy thực tế là có lợi cho đồng USD”, ông Gallo nhận định.
Một yếu tố khác đó là đồng USD là tiền tệ dự trữ của thế giới. Điều này tạo ra nhu cầu bền vững cho đồng USD, gây khó khăn trong việc định giá chính xác đồng USD.
Bản thân ông Trump cũng ý thức được chuyện này, vào ngày 11/7, ông đăng trên Twitter rằng đồng USD “đến nay là đồng tiền thống trị thế giới, và nó sẽ mãi như vậy.”
Liệu chính sách đồng USD mạnh có bị xóa bỏ?
Dù vậy, trong quá khứ chính quyền của ông Trump đã thử hạ giá đồng USD, những động thái mà Goldman Sachs nhận định rằng nó đã đạt “một số thành công”.
Theo Bank of America, cách phá giá đồng USD dễ dàng nhất là chính quyền Trump tuyên bố xóa bỏ chính sách đồng USD mạnh, được đưa ra vào năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác. Ảnh: Tradingview.com
Theo những nhà chiến lược tại Bank of America, nước đi này “có thể rất hiệu quả,” và sẽ khiến đồng USD mất giá khoảng 5% đến 10% và đưa nó trở về vị trí cân bằng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin sẽ không phải tuyên bố rằng nước Mỹ muốn đồng USD yếu. Ông ấy chỉ cần thông báo rằng nước Mỹ muốn đồng USD về đúng giá trị. Dù vậy, những quốc gia khác có thể tìm cách trả đũa động thái thay đổi chính sách của Mỹ với đồng USD của Mỹ bằng cách phá giá đồng tiền của mình.
Cục Dữ trữ Liên bang phải đồng thuận
Một cách khác sẽ là can thiệp vào thị trường ngoại hối, đây là điều những nhà phân tích cho rằng sẽ phá vỡ tiêu chuẩn hiện nay.
Goldman Sachs cho biết sự can thiệp trực tiếp này sẽ gây ra một hiệu ứng lớn trên thị trường,” bao gồm đồng USD yếu, đồng Yên mạnh lên và sự rớt giá của thị trường chứng khoán nước ngoài.
Tuy nhiên, công ty cũng cảnh báo rằng chiến lược đó sẽ gây ra rất nhiều rắc rối.
Rắc rối đầu tiên là ông Trump sẽ cần sự đồng thuận của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đối với kế hoạch phá giá đồng USD của mình.
Cuộc đua đến đáy
Thậm chí nếu Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ có đồng ý can thiệp vào thị trường tiền tệ, nước đi như thế có thể tạo ra một cú nổ lớn.
Theo Ashworth, mỗi ngày, gần 5 nghìn tỷ USD được giao dịch trên thị trường ngoại hối, gấp khoảng 5 lần so với năm 1995, là năm cuối cùng Mỹ can thiệp.
Hơn nữa, những hậu quả ngoài dự tính có thể xảy ra. Ashworth cho biết đồng USD bị hạ giá có thể thúc đẩy sự cạnh tranh từ những nhà xuất khẩu Mỹ trong trung hạn, nó cũng sẽ tăng giá nhập khẩu và làm suy yếu sức mua ngay lập tức đối với những hộ gia đình và doanh nghiệp tại Mỹ.
“Bất kỳ hành động phá giá đồng USD có chủ ý nào cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển GDP trong ngắn hạn,” ông viết.
Goldman Sachs cảnh báo về sự can thiệp mạnh vào tiền tệ có thể “phản tác dụng” nếu những nước khác cũng làm tương tự.
Thật dễ thấy điều này có thể dấy lên “cuộc đua đến đáy”. Một cuộc chiến tiền tệ, song song cùng cuộc chiến thương mại, là điều đáng sợ. Nhưng điều gì cũng có thể xảy ra.