|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IFC ước lãi hơn 3.600 tỉ đồng sau hơn 8 năm đầu tư vào VietinBank?

11:14 | 20/11/2019
Chia sẻ
Đầu tư vào VietinBank từ năm 2011, IFC đang thực hiện dần ý định thoái vốn khỏi ngân hàng để hiện thực hoá khoản lợi nhuận khủng từ đây, ước tính hơn 3.600 tỉ đồng.

Mới đây, Tổ chức tài chính Quốc tế của World Bank (IFC) đã công bố chính thức về thông tin thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG). Theo thông tin cho biết, tổ chức này đã bán ra hơn 57,3 triệu cổ phiếu CTG vào ngày 13/11.

Đây cũng là phiên giao dịch có khối lượng tăng bất thường trong tuần trước của mã cổ phiếu CTG. Trong đó, khối ngoại đã bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu CTG, giá trị 1.234 tỉ đồng, đồng thời một nhóm nhà đầu tư ngoại cũng mua vào gần 29 triệu cổ phiếu (giá trị hơn 622 tỉ đồng).

Sau khi IFC thoái vốn lần này, tỉ lệ sở hữu của tổ chức này tại VietinBank giảm từ 8,027% xuống còn 6,486%, vẫn là một trong những cổ đông lớn của ngân hàng. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước là cổ đông lớn nhất tại VietinBank với tỉ lệ sở hữu 64,46%; MUFG Bank, Ltd là cổ đông lớn thứ hai với sở hữu 19,73% vốn cổ phần.

Cơ cấu cổ đông của VietinBank trước và sau khi IFC thoái vốn

Screen Shot 2019-11-20 at 10

Nguồn: DB tổng hợp.

IFC đã lên kế hoạch thoái vốn từ khá lâu, thông tin được Bloomberg tiết lộ từ tháng 9/2018 cho biết tổ chức IFC của World Bank đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để bán lại cổ phần tại VietinBank. Nguồn tin cho biết, IFC đang làm việc với một nhà tư vấn về thương vụ bán 8% cổ phần đang sở hữu tại ngân hàng này.

Chưa có thông tin chính thức nào về việc IFC có tiếp tục thoái vốn nữa hay không tuy nhiên không loại trừ khả năng tổ chức này sẽ tiếp tục bán ra.

Chặng đường đầu tư vào Vietinbank của IFC

Năm 2011, IFC chính thức trở thành cổ đông của ngân hàng với việc mua vào 168,58 triệu cổ phiếu CTG với giá 21.000 đồng/cp, tương đương tỉ lệ sở hữu 10% vốn cổ phần. Trong số đó, IFC nắm hơn 55,28 triệu cổ phần, tương ứng với tỉ lệ sở hữu gần 3,28%; Quĩ đầu tư cấp vốn IFC nắm hơn 113,29 triệu cổ phần, tỉ lệ sở hữu 6,72%.

Sau một số lần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, thưởng và nhận cổ tức bằng cổ phiếu, số lượng cổ phiếu CTG mà IFC sở hữu tăng lên gần 300 triệu cổ phiếu nhưng tỉ lệ sở hữu giảm xuống chỉ còn 8,02%. Tỉ lệ sở hữu này đã duy trì từ năm 2013 tới nay.

Tổng số tiền mà IFC đã đầu tư vào VietinBank từ trước tới nay (không tính mức trượt giá) ước khoảng 4.244 tỉ đồng.

3944_Screen_Shot_2018-09-22_at_12

Số tiền IFC đầu tư vào VietinBank. (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).

IFC thu được gì sau hơn 8 năm?

Trong quá trình đầu tư vào VietinBank từ năm 2011, IFC cũng nhiều lần hưởng cổ tức, chủ yếu bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 7 - 10%. Tổng số cổ tức tiền mặt mà IFC đã nhận được là hơn 1.435 tỉ đồng.

Tính đến 20/11/2019, VietinBank mới thực hiện chi trả cổ tức đến năm 2016 (chi tiết bảng dưới). Cổ tức của những năm 2017 và 2018 vẫn đang trong quá trình chờ phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Với nhu cầu cấp thiết tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II, ban lãnh đạo VietinBank đã nhiều lần đề nghị được giữ lại lợi nhuận hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức từ phía Bộ Tài Chính.

1427_Screen_Shot_2018-09-22_at_11

Số cổ tức bằng tiền của VietinBank mà IFC thu qua các năm. (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 19/11, thị giá cổ phiếu CTG dừng ở mức 21.500 đồng/cp, tăng 13% so với thời điểm đầu năm 2019 (19.000 đồng/cp). Thị giá cổ phiếu CTG từng đạt mức cao đỉnh điểm vào tháng 4/2018 với mức giá 37.700 đồng/cp.

Screen Shot 2019-11-20 at 10

Diễn biến cổ phiếu CTG trong 1 năm trở lại đây (Nguồn: VnDirect).

Ước tính giá trị số cổ phiếu mà IFC sở hữu sau lần thoái vốn vào ngày 13/11 theo giá trị thị trường hiện tại của cổ phiếu CTG (21.500 đồng/cp) vào khoảng 5.192 tỉ đồng. Cộng thêm với giá trị thị trường thu về từ việc bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu khoảng 1.234 tỉ đồng, tổng giá trị khoản đầu tư vào VietinBank của IFC ước đạt 6.426 tỉ đồng.

Bỏ qua các mức trượt giá do lạm phát, "lợi nhuận" ước tính của IFC đạt khoảng hơn 3.600 tỉ đồng (chi tiết bảng dưới). 

Screen Shot 2019-11-20 at 10

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

IFC thực hiện đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam tuy nhiên đậm nét nhất vẫn là thị trường tài chính với các khoản góp vốn, cho vay đối với các ngân hàng Việt. Có thể kể đến các khoản đầu tư của IFC vào cổ phiếu của ACB, Sacombank, TPBank, ABBank.

Các khoản đầu tư vào ngân hàng Việt của IFC từ trước tới nay được ghi nhận là chưa bao giờ bị lỗ, chỉ là lãi ít hay lãi nhiều mà thường đạt tỉ suất lợi nhuận cao hơn thị trường. 

Khoản đầu tư của IFC vào VietinBank cũng vậy nếu ước tính theo giá trị tiền đồng thì tỉ suất lợi nhuận mang về ở đây là hơn 85% sau 8 năm. Đây là tỉ suất lợi nhuận ở mức cao đối với các khoản đầu tư của các tổ chức quốc tế hiện nay.

Diệp Bình

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.