|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 2019 - 2020 giảm 4,9% so với niên vụ trước

15:41 | 07/11/2020
Chia sẻ
Trong niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 4,9% xuống 126,9 triệu bao so với niên vụ 2018 - 2019. Giai đoạn tháng 10/2019 - tháng 9/2020, xuất khẩu cà phê robusta ghi nhận mức giảm ít nhất, giảm 1,4% xuống 48,68 triệu bao.
ICO:  - Ảnh 1.

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 2019 - 2020 giảm 4,9% so với niên vụ trước

Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2019 - 2020 ước tính đạt 168,84 triệu bao, thấp hơn 2,5% so với niên vụ 2018 - 2019.

Sản lượng arabica ước tính giảm 5% xuống còn 96,05 triệu bao trong khi sản lượng robusta dự kiến tăng 1,1% lên 72,78 triệu bao.

Sản lượng niên vụ 2019 - 2020 giảm chủ yếu là do Brazil bước vào năm mất mùa của cà phê arabica. Ngoài ra, giá cà phê thấp và tác động của dịch COVID-19 đối với nguồn lao động cũng là nguyên nhân khiến sản lượng giảm.

Trong niên vụ 2019 - 2020, tiêu thụ cà phê toàn cầu ước tính giảm 0,9% xuống 167,59 triệu bao sau khi tăng 4,6% trong niên vụ 2018 - 2019 lên 169,11 triệu bao.

Nhu cầu dự báo giảm do áp lực liên tiếp từ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự phục hồi chậm của tiêu dùng bên ngoài do các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Mặc dù cả sản xuất và tiêu thụ đều giảm, nhưng niên vụ 2019 - 2020 dự báo vẫn kết thúc với thặng dư cà phê toàn cầu là 1,24 triệu bao.

Chỉ số giá cà phê tổng hợp ICO đạt 107,25 US cent/pound trong niên vụ 2019 - 2020, cao hơn so với mức trung bình 100,47 US cent/pound trong niên vụ 2018 - 2019 khi thặng dư đạt gần 4 triệu bao.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của giá cả trong vài tháng tới có thể sẽ bị hạn chế bởi thặng dư và triển vọng nguồn cung tăng do niên vụ 2020 - 2021, Brazil bước vào năm bội thu trong chu kì sản xuất cà phê arabica hai năm một lần.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm so với niên vụ 2018 - 2019

Trong tháng 9, xuất khẩu cà phê thế giới tăng 0,9% lên 10,16 triệu bao so với tháng 9/2019. Xuất khẩu cà phê arabica giảm 4,1% xuống 6,17 triệu bao trong khi xuất khẩu cà phê robusta tăng 9,6% lên 4 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê arabica của Colombia ghi nhận mức giảm lớn nhất trong tháng 9 - 12,5% xuống 953.000 bao. Xuất khẩu của các quốc gia (ngoài Colombia và Brazil) khác giảm 6,9% xuống 1,82 triệu bao, trong khi xuất khẩu của Brazil tăng 0,2% lên 3,39 triệu bao.

Trong niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 4,9% xuống 126,9 triệu bao so với niên vụ 2018 - 2019.

Trong giai đoạn tháng 10/2019 - tháng 9/2020, xuất khẩu cà phê robusta ghi nhận mức giảm ít nhất, giảm 1,4% xuống 48,68 triệu bao.

Xuất khẩu robusta từ các quốc gia khác (ngoài Colombia và Brazil) giảm 9,8% xuống 25,15 triệu bao. Xuất khẩu của Colombia giảm 7,2% xuống 13,88 triệu bao và xuất khẩu của Brazil giảm 4,9% xuống 39,18 triệu bao.

Tổng giá trị xuất khẩu cà phê giảm 3,6% xuống 17,87 tỉ USD so với niên vụ 2018 - 2019 trong khi giá cà phê bình quân giảm xuống 148,66 US cent/pound so với mức 177,50 US cent/pound trong niên vụ 2018 - 2019.

ICO:  - Ảnh 2.

Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê xanh niên vụ 2019 - 2020 giảm so với niên vụ trước

Xuất khẩu cà phê arabica xanh giảm 7,7% xuống 71,98 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020. Các lô hàng từ 4 trong 5 nhà xuất khẩu arabica xanh lớn nhất, chiếm 78% tổng lượng xuất khẩu, đã giảm trong niên vụ 2019 - 2020.

Xuất khẩu arabica xanh của Brazil giảm 8,1% xuống 31,84 triệu bao, Colombia giảm 7,2% xuống 11,59 triệu bao và Honduras giảm 19,1% xuống 5,51 triệu bao, Peru giảm 9,5% xuống 3,63 triệu bao trong khi xuất khẩu của Ethiopia tăng 1,3% lên 3,85 triệu bao.

Tổng giá trị xuất khẩu cà phê arabica xanh giảm 2,8% xuống 12 tỉ USD từ mức 12,35 tỉ USD trong niên vụ 2018 - 2019 và 13,48 tỉ USD trong niên vụ 2017 - 2018. Trong khi đó, giá cà phê arabica trung bình tăng 5,3% lên 126,07 US cent/pound.

Trong niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê robusta xanh giảm 1,6% xuống 42,65 triệu bao, phần lớn do xuất khẩu từ Việt Nam - chiếm 56% tổng lượng xuất khẩu robusta xanh - đã giảm 8,6% xuống còn 24,05 triệu bao.

Tuy nhiên, xuất khẩu robusta xanh của Brazil tăng 21,2% lên 4,63 triệu bao, Uganda tăng 25,9% lên 4,39 triệu bao và Indonesia tăng 31% lên 3,93 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu robusta xanh của Ấn Độ giảm 14,3% xuống 2,78 triệu bao.

Tổng giá trị xuất khẩu robusta xanh giảm 8% xuống 3,93 tỉ USD từ mức 4,27 tỉ USD trong niên vụ 2018 - 2019 và 4,77 tỉ USD trong niên vụ 2017 - 2018. Giá cà phê robusta trung bình giảm 6,5% xuống 69,6 US cent/pound.

Xuất khẩu cà phê rang xay đã liên tục tăng từ 370.000 bao trong niên vụ 2014 - 2015 lên 788.000 bao trong niên vụ 2018 - 2019 tuy nhiên giảm trở lại 15% xuống còn 669.000 bao trong năm 2019 - 2020.

Colombia là nước xuất khẩu cà phê rang xay lớn nhất, và xuất khẩu của nước này đã tăng 15% lên 198.000 bao trong khi xuất khẩu của Mexico giảm 12,7% xuống còn 194.000 bao.

Xuất khẩu cà phê rang xay của Indonesia tăng gấp đôi lên 48.500 bao trong khi Brazil giảm 11,2% xuống 23.000 bao.

Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu lại tăng 7,8% lên 176,36 triệu USD. Ngoài ra, giá cà phê rang xay trung bình tăng 26,8% lên 199,18 US cent/pound.

ICO:  - Ảnh 3.

Nguồn: ICO

Trong 5 năm trước, xuất khẩu cà phê hòa tan đã ghi nhận mức tăng hàng năm 5% từ 9,01 triệu bao trong niên vụ 2014 - 2015 lên 11,34 triệu bao trong niên vụ 2018 - 2019.

Niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng 2,3% 11,60 triệu bao. Brazil là nhà xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất nhưng xuất khẩu của nước này trong niên vụ 2019 - 2020 chỉ đạt 3,94 triệu bao, thấp hơn 2,1% so với niên vụ 2018 - 2019.

Xuất khẩu cà phê hòa tan của Indonesia tăng 36,1% lên 1,81 triệu bao trong khi Ấn Độ giảm 7,8% xuống 1,8 triệu bao - đây là năm giảm thứ ba của Ấn Độ.

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam giảm 3,2% xuống 1,32 triệu bao trong khi Mexico tăng 8,8% lên 861.000 bao.

Tổng giá trị xuất khẩu cà phê hòa tan tăng 0,3% lên 1,76 triệu USD trong niên vụ 2019 - 2020 và giá cà phê hòa tan trung bình giảm 2% xuống còn 114,81 US cent/pound.

Ngọc Ánh