Huyện Nhà Bè thừa nhận đất chưa 'sạch' đã đấu giá và giao cho địa ốc Phú Long
Mới đây, tại Hội nghị Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tổ chức mới đây, CTCP Địa ốc Phú Long kiến nghị, công ty là chủ đầu tư (CĐT) Dự án Khu đô thị mới Dragon City, diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thông qua đấu giá công khai từ năm 2004.
Công ty đã đầu tư xây dựng thành khu đô thị, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực bắc Nhà Bè. Tuy nhiên, cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gây ô nhiễm môi trường và có nhiều hành vi cản trở không cho Phú Long thi công công trình của dự án.
Lãnh đạo TP HCM đề nghị huyện Nhà Bè phải hoàn thành việc cưỡng chế đất tại dự án của công ty địa ốc Phú Long trong tháng 5. (Ảnh: Hiếu Quân)
Ông Vũ Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Phú Long cho biết: "Ngay khi tiếp nhận đất, chúng tôi phát hiện còn 1 số hộ dân chưa được đền bù nhà đất. Suốt 15 năm qua, chúng tôi đã có văn bản báo cáo với UBND huyện và các sở ngành, đề nghị giải quyết dứt điểm để triển khai dự án".
Phú Long cũng được UBND TP giao làm CĐT dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Công ty đã chuyển 160 tỉ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất để đền bù nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng để giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án ngầm hóa đường điện này.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp và đã có Văn bản số 60/TB-VP vào tháng 2/2019 chỉ đạo UBND huyện Nhà Bè lập kế hoạch thu hồi đất của các hộ dân và giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn huyện Nhà Bè thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngay tại Hội nghị, trực tiếp trả lời doanh nghiệp, lãnh đạo huyện Nhà Bè thừa nhận: "Dự án của công ty Phú Long mua đấu giá quỹ đất của UBND TP từ năm 2004, nhưng khi đem bán đấu giá, thực tế quỹ đất chưa sạch, hiện còn một căn nhà vẫn tồn tại ở đây. Theo Luật Đất đai năm 1993, sau khi nhà nước thu hồi đất cũng phải thu hồi giấy lại, những hộ này đều còn giấy. Chúng ta chưa làm hết pháp lý đối với công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2004 chưa cưỡng chế đất xong đã đem đấu giá rồi".
Vị này cho biết thêm, hộ dân cuối cùng trong khu đất dự án là hộ của ông Phan Tấn Tài và ông này vẫn còn giấy tờ nhà đất. Suốt thời gian dài, ông Tài xây dựng thêm nhà cửa, phòng trọ, nuôi cá, gà, heo… Gia đình ông cũng từ 6 – 7 người, nay lên đến 18 – 20 người. Đất của ông Tài cũng thuộc cả dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV nói trên.
"Ông Tài không có đất tái định cư. Chúng tôi đang bàn với CĐT hỗ trợ thêm về chỗ tái định cư để ổn định cuộc sống cho người dân. Nếu công ty Phú Long chuẩn bị được quỹ đất tái định cư cho người dân trong tháng 4 này thì tháng 6 huyện sẽ giao mặt bằng dự án ngầm hóa đường điện cao thế. Huyện Nhà Bè kiến nghị Sở Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn thi hành việc cưỡng chế thu hồi đất này", lãnh đạo huyện Nhà Bè kiến nghị.
Tuy nhiên, về vấn đề này, lãnh đạo TP HCM đã lập tức đề nghị huyện Nhà Bè phải hoàn thành việc cưỡng chế đất dự án này trong tháng 5.